Nhiều người dân Nhật Bản lo ngại về đợt tăng thuế tiếp theo.
Lần tăng thuế tiêu thụ đợt I vào tháng 4 vừa qua đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế Nhật Bản,và khiến tăng trưởng GDP của nước này giảm tới 7,1% trong quý II/2014 so với cùng kỳ năm 2013. Điều này đã dẫn đến một sức ép mạnh mẽ đề nghị hoãn việc tăng thuế tiêu thụ.
6 tháng sau khi thuế tiêu thụ được điều chỉnh từ 5% lên 8%, nền kinh tế Nhật Bản dường như vẫn chưa thoát khỏi cú sốc mà quyết định này mang lại. Các hoạt động kinh tế diễn biến cầm chừng, nhiều người than phiền về cuộc sống ngày càng đắt đỏ tại Nhật Bản và lo ngại về đợt tăng thuế tiếp theo.
Ông Shuji Sato, người dân Nhật Bản cho biết: "Việc tăng thuế khiến cuộc sống của tôi bị ảnh hưởng. Tôi phải trả nhiều tiền hơn cho việc mua thực phẩm. Tôi nghĩ bây giờ không phải là thời điểm thích hợp để tăng thuế vì kinh tế đang khó khăn. Chính phủ cần phải hoãn việc này lại".
Những cuộc điều tra dư luận cho thấy, số người phản đối tăng thuế đợt II tăng nhanh qua mỗi tháng. Nếu trong tháng 8, tỷ lệ phản đối tăng thuế là 63% thì đến đầu tháng 10 đã tăng lên 72%. Cứ 3 người dân Nhật Bản lại có 1 người cho biết cuộc sống của họ đang trở nên khó khăn hơn trước. Tỷ lệ nghịch với làn sóng phản đối chính sách thuế là sự ủng hộ dành cho nội các. Sau đợt tăng thuế đầu tiên, tỷ lệ ủng hộ nội các Nhật Bản liên tục nằm dưới ngưỡng 50%. Nhiều người Nhật Bản thừa nhận, Chính phủ đang đứng trước lựa chọn khó khăn.
Ông Sumikawa Teruaki, người dân Nhật Bản cho biết: "Bây giờ không tăng thuế cũng không được. Hiện nay chúng tôi đang ôm cả một núi nợ. Việc tăng thuế sẽ khiến cuộc sống của mọi người trở nên khó khăn, nhưng đó là con đường mà Nhật Bản bắt buộc phải đi qua".
Thủ tướng Shinzo Abe sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tăng thuế tiêu thụ đợt 2 từ 8% lên 10% như kế họach đã định hay không sau khi có số liệu thống kê về hoạt động kinh tế trong quý III/2014. Trong lịch sử, Chính phủ Nhật Bản đã từng hai lần tăng thuế tiêu thụ vào các năm 1988 và 1997 và trong cả hai lần, sự phản đối của dân chúng đã khiến đảng cầm quyền mất thế đa số trong Quốc hội và cùng với đó là chức Thủ tướng Chính phủ.