Thế cờ mới từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Philippines

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 14/04/2024 14:18 GMT+7

VTV.vn - Hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ - Nhật Bản - Philippines đánh dấu sự hình thành một cơ chế hợp tác mới do Mỹ dẫn dắt tại khu vực.

Một trong các sự kiện chính trị thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới tuần qua là Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa lãnh đạo ba nước Mỹ - Nhật Bản - Philippines diễn ra hôm 11/4 tại Thủ đô Washington, Mỹ. Hội nghị không chỉ cho thấy xu hướng phát triển mạnh mẽ của quan hệ đồng minh giữa ba nước mà còn đánh dấu sự hình thành một cơ chế hợp tác mới do Mỹ dẫn dắt tại khu vực.

Tăng cường hợp tác Mỹ - Nhật - Philippines

"Một thời khắc lịch sử" là từ mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã sử dụng khi nói về Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa ba nước, Mỹ, Nhật Bản và Philippines. Ba nhà lãnh đạo đã cùng thảo luận về nhiều nội dung hợp tác, trải dài trên các lĩnh vực đa dạng mà 3 nước cùng quan tâm. Mỹ tái khẳng định về các cam kết quốc phòng với Nhật Bản và Philippines. Lãnh đạo ba nước cũng đang xem xét thành lập một trung tâm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ trong thiên tai. Về kinh tế, ba nhà lãnh đạo công bố dự án cơ sở hạ tầng mới được gọi là Hành lang kinh tế PGI Luzon.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Chúng tôi cam kết cùng nhau xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, thịnh vượng và an toàn cho tất cả mọi người. Chúng tôi cũng thảo luận về một số lĩnh vực chính mà các quốc gia đang quan tâm. Đầu tiên là công nghệ và năng lượng sạch, an ninh trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Từ việc đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn đến mở rộng viễn thông đáng tin cậy ở Philippines, xây dựng lực lượng lao động năng lượng sạch, đến mở rộng hợp tác của chúng ta trên toàn bộ các lĩnh vực".

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng "hợp tác nhiều lớp" giữa các đồng minh và các quốc gia có cùng chí hướng là điều cần thiết để duy trì và củng cố một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền.

Thế cờ mới từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Philippines - Ảnh 1.

(Ảnh: AFP)

Về phần mình, Tổng thống Philippines nhấn mạnh Hội nghị lần này mới chỉ là khởi đầu, với mục đích chủ yếu thúc đẩy quan hệ kinh tế ba nước. Tổng thống Marcos cho biết đang đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản và Mỹ trong những lĩnh vực quan trọng khác như cơ sở hạ tầng, chất bán dẫn, an ninh mạng và năng lượng tái tạo.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nhấn mạnh: "Đây là cuộc họp hướng tới tương lai khi chúng ta tìm cách xác định các cách thức phát triển nền kinh tế và làm cho chúng ta trở nên kiên cường hơn, chống chọi với biến đổi khí hậu và xây dựng một thế giới hòa bình vì thế hệ sau".

Theo các chuyên gia, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Philippines vừa mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng, vừa đánh dấu một bước ngoặt mới trong hợp tác ba bên, hình thành một cơ chế tiêu đa phương mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Quá trình phát triển hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Philippines

Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Mỹ - Nhật Bản - Philippines là một chỉ dấu mới cho các cơ chế hợp tác khu vực mà Mỹ đã thúc đẩy thời gian qua. Với sự hỗ trợ tích cực của Nhật Bản cùng sự hưởng ứng của Philippines, Mỹ giữ vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy "Khuôn khổ liên minh ba bên Mỹ - Nhật Bản - Philippines" và đạt được các tiến bộ mới. Khuôn khổ này từng bước được hình thành kể từ khi ba nước khởi động "Đối thoại chính sách quốc phòng ba bên" vào tháng 9/2022 và nhanh chóng được thúc đẩy kể từ tháng 2/2023.

Trong quá trình triển khai chiến lược an ninh của ba nước, liên minh quân sự Mỹ - Philippines tiếp tục đi vào chiều sâu trên nhiều phương diện như mua bán vũ khí, viện trợ, tập trận chung… Trong khi đó, quan hệ đối tác an ninh Nhật Bản - Philippines cũng đạt được những bước đột phá qua Hội nghị Bộ trưởng "2+2", mua sắm thiết bị quốc phòng, lĩnh vực hàng hải… Trên cơ sở này, "Khuôn khổ liên minh ba bên Mỹ - Nhật Bản - Philippines" chính thức được khởi động và từng bước hình thành phát triển.

Theo ông Antony Blinken - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ: "Cuộc gặp ba bên giữa Mỹ - Nhật Bản - Philippines là một chân trời hợp tác mới vô cùng hứa hẹn. Nó được xây dựng trên nền tảng vững chắc giữa các quốc gia, nơi chúng ta có cùng ưu tiên, cho dù đó là phát triển kinh tế hay đối phó biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, và cả duy trì luật pháp quốc tế".

Thế cờ mới từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Philippines - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tổ chức cuộc họp báo chung tại Vườn Hồng của Nhà Trắng ở Washington D.C., ngày 10/4 (Ảnh: AFP/Getty Images)

Trong lĩnh vực xây dựng cơ chế an ninh ba bên, Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã tổ chức hội nghị trực tuyến "Đối thoại chính sách quốc phòng ba bên" lần đầu tiên vào tháng 9/2022. Quốc hội Philippines cũng xem xét thẩm định đề xuất "Hiệp định An ninh và Quốc phòng ba bên". Trong triển khai diễn tập quân sự chung, Mỹ mời hải quân, lục quân, không quân Philippines và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cùng tham gia các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn để tăng cường tính tương tác quân sự. Theo kế hoạch, Mỹ và Nhật Bản sẽ tham gia 3 - 4 cuộc tập trận chung mỗi năm với lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines.

Về hợp tác quốc phòng, trao đổi và phối hợp, ba nước không ngừng thúc đẩy các chuyến thăm lẫn nhau tại các cảng, căn cứ, tiếp cận có đi có lại, chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết: "Chúng tôi bắt đầu đàm phán Thỏa thuận tiếp cận đối ứng và đồng ý tăng cường hơn nữa hợp tác ba bên giữa Nhật Bản, Mỹ và Philippines. Chúng tôi cũng xác nhận rằng sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác để cải thiện năng lực thực thi pháp luật hàng hải của Philippines, bao gồm việc cung cấp tàu tuần tra, hợp tác công nghệ và thiết bị quốc phòng cũng như chuyển giao radar cảnh báo và kiểm soát".

Tháng 11/2022, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris lên tàu tuần tra Teresa Magbanua do Nhật Bản sản xuất trong chuyến thăm Philippines. Đây được xem là một cột mốc quan trọng trong hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Philippines.

Theo các chuyên gia, đà phát triển của "Khuôn khổ liên minh ba bên Mỹ - Nhật Bản - Philippines" không ngừng tăng lên, tiếp tục cải thiện các chức năng cụ thể của ba nước trong các lĩnh vực quân sự, tình báo, cũng như nâng cao năng lực ứng phó toàn diện.

Nguy cơ leo thang cạnh tranh nước lớn

Giới quan sát nhận định, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Philippines là động thái tiếp tục khẳng định cam kết của Mỹ với các đối tác và đồng minh trong khu vực. Tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Mỹ đã thiết lập khuôn khổ hợp tác với một số quốc gia đồng minh, tập trung vào các lĩnh vực an ninh hàng hải, kinh tế, ứng phó tấn công mạng và nhiều thách thức khác. Tại khu vực, Mỹ đã thiết lập các cơ chế hợp tác theo mô hình tiểu đa phương với nhiều nước, như AUKUS với Australia, Anh, QUAD với Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, bên cạnh hợp tác ba bên truyền thống Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc. Với hợp tác ba bên mới Mỹ - Nhật Bản - Philippines, một số chuyên gia nhận định Mỹ đang xây một thế cờ mới tại khu vực.

Với việc tăng cường thúc đẩy các liên minh, các cơ chế hợp tác tiểu đa phương, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đang chứng kiến sự gia tăng ngày càng cao của nguy cơ cạnh tranh, đối đầu nước lớn.

Thế cờ mới từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Philippines - Ảnh 3.

(Ảnh: AFP)

Hãng tin DW của Đức dẫn lời các các quan chức cho biết Hội nghị thượng đỉnh không nhằm mục đích chống lại bất kỳ quốc gia cụ thể nào nhưng nó diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Biển Đông. Cuộc gặp ba bên này thể hiện mong muốn ngày càng tăng ở Manila, Tokyo và thậm chí ở Washington trong việc vượt xa các mô hình truyền thống nhằm tích hợp hơn nữa các nỗ lực hợp tác dựa trên các mục tiêu chung.

Theo tờ Bưu điện Washington, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Philippines là đỉnh cao của nhiều năm nỗ lực xây dựng các nhóm liên minh mới ở châu Á. Theo bài viết, Washington có xu hướng tập trung vào việc cấp bách hơn là việc quan trọng. Bài báo cho rằng, với cục diện khu vực hiện tại, Mỹ phải chứng minh rằng bất chấp hai cuộc xung đột tại Ukraine và Gaza cũng như rối loạn chính trị trong nước, Mỹ vẫn có thể cam kết lâu dài trong cuộc cạnh tranh địa chính trị ở châu Á.

Theo trang Thời báo Toàn cầu của Trung Quốc, với việc liên minh quân sự ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines ngày càng sâu sắc cũng như Mỹ liên tục thiết lập các khuôn khổ đa phương giữa nước này và các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Washington đang tiến một bước gần hơn đến việc xây dựng một NATO châu Á - Thái Bình Dương thu nhỏ.

Theo trang Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, hợp tác an ninh chặt chẽ hơn giữa ba đồng minh có thể có tác động ngược là làm gia tăng thêm căng thẳng địa chính trị trong khu vực.

Trang Thời báo lại có cái nhìn khác về việc Mỹ tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước ở khu vực. Bài viết trích ý kiến các chuyên gia cho rằng một liên mình quân sự mà Mỹ tạo dựng không nhất thiết đảm bảo một hệ thống phòng thủ lẫn nhau nếu xung đột nổ ra trong khu vực. Các liên minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không có mức độ thể chế hóa như họ có với các đồng minh NATO.

Thế cờ mới từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Philippines - Ảnh 4.

(Ảnh: AFP)

Sự phát triển liên tục của "Khuôn khổ liên minh ba bên Mỹ - Nhật Bản - Philippines" sẽ có tác động đến vai trò trung tâm của ASEAN bởi ASEAN nằm trong trọng tâm của các cơ chế tiểu đa phương và là một trong các khu vực mà diễn ra sự cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng gay gắt giữa các cường quốc.

Sự phát triển của cơ chế hợp tác ba bên Mỹ - Nhật Bản - Philippines qua Hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra nói riêng và xu hướng phát triển của các cơ chế hợp tác tiểu khu vực nói chung đã và đang tạo ra một cục diện mới tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này sẽ có tác động nhất định đến cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm cũng như các nỗ lực của ASEAN trong duy trì hòa bình, ổn định, thịnh vượng tại khu vực.

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc vẫn diễn biến phức tạp, các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống ngày càng tăng, các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ phải tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, không chọn bên và nỗ lực để đạt đồng thuận trong quan hệ với các cường quốc và những vấn đề đang nổi lên nhằm đảm bảo lợi ích, tăng cường vai trò của các nước đang phát triển và các cơ chế hợp tác đa phương như ASEAN để tránh rơi vào tình thế phải chọn bên trong cuộc cạnh tranh nước lớn.

Những mục tiêu quan trọng nhất trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio Những mục tiêu quan trọng nhất trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio Thủ tướng Nhật Bản thăm Mỹ, thúc đẩy hợp tác giữa hai nước Thủ tướng Nhật Bản thăm Mỹ, thúc đẩy hợp tác giữa hai nước Mỹ, Nhật Bản và Philippines chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên Mỹ, Nhật Bản và Philippines chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước