Thế giới đang cần vaccine hay công thức sản xuất vaccine?

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 11/05/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Lãnh đạo các nước châu Âu cho rằng, nên tập trung ưu tiên đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu vaccine, vì đây là việc cấp bách hơn và thực chất hơn.

Vấn đề nóng lên khi Tổng thống Mỹ bất ngờ tuyên bố ủng hộ miễn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine ngừa COVID-19, chia sẻ công thức vaccine cho các nước đang phát triển để các nước này tự sản xuất vaccine.

Giúp đỡ một người đang rất đói thì nên cho cái bánh hay là cho công thức làm bánh? Quan điểm của Mỹ và châu Âu đối lập nhau. Mỹ là nước chưa xuất khẩu một liều vaccine ngừa COVID-19 nào ra bên ngoài, đang ủng hộ chia sẻ công thức sản xuất vaccine. Phía châu Âu không phản đối, nhưng nhấn mạnh rằng, hiệu quả hơn vẫn là phải mở rộng sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu vaccine ra toàn cầu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: "Ưu tiên lúc này không phải là bằng sáng chế, mà là sản xuất và xuất khẩu. Các nước châu Âu đã xuất khẩu 50% sản lượng vaccine sản xuất được, còn Mỹ và Anh, toàn bộ 100% vaccine sản xuất tại hai nước này được giữ lại dùng trong nước. Người Anh, người Mỹ nên bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu vaccine".

Thế giới đang cần vaccine hay công thức sản xuất vaccine? - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Ngay từ cuối năm ngoái, hãng dược Mỹ Moderna đã công khai công thức vaccine Moderna, một trong hai vaccine có công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Nhưng tới giờ, ngoài Mỹ, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha, chưa nước nào khác sản xuất nổi vaccine Moderna, kể cả khi đã biết rõ công thức. Vì chế tạo vaccine đòi hỏi phải có dây chuyền công nghệ, nhân lực và nhất là nguyên liệu.

Để sản xuất vaccine Pfizer cần tới khoảng 500 nguyên liệu, trong đó có hàng trăm nguyên liệu vẫn đang được bảo hộ bản quyền. Nước Anh và nước Mỹ vẫn đang cấm xuất khẩu nguyên liệu chế tạo vaccine.

Bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho rằng: "Trong ngắn hạn và trung hạn, việc từ bỏ bản quyền vaccine sẽ không giải quyết được vấn đề, sẽ không mang lại thêm một liều vaccine nào cả. Điều cần thiết trong ngắn hạn và trung hạn là viện trợ, cho, tặng vaccine. Thứ hai là xuất khẩu vaccine. Thứ ba là đầu tư nâng cao năng lực sản xuất vaccine".

Giúp người cái cần câu hay con cá?

Quan điểm của Liên minh châu Âu là rõ ràng. Hãy lập tức cho ngay con cá, sau đó bàn chuyện cho cả cái cần câu và chỉ cách câu. Dịch bệnh đang bùng phát dữ dội trên thế giới, cứu người không thể chần chừ. Giải pháp cấp bách và hiệu quả nhất để cứu người lúc này là mở rộng các dây chuyền sẵn có, sản xuất và xuất khẩu vaccine càng nhiều càng tốt. Còn về giải pháp dài hạn, Liên minh châu Âu đề xuất, để giúp các nước đang phát triển, phải chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, mở cửa thị trường nguyên liệu, chứ không chỉ chia sẻ mỗi công thức vaccine.

Thế giới đang cần vaccine hay công thức sản xuất vaccine? - Ảnh 2.

Bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu

Về năng lực sản xuất, riêng Liên minh châu Âu đến nay đã có thể sản xuất mỗi tháng 200 triệu liều vaccine. Các hãng dược đang nỗ lực mở rộng sản xuất vaccine trên toàn thế giới, và trong năm sau có thể sản xuất được 10 tỷ liều vaccine. Vậy nên Liên minh châu Âu cho rằng nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn, là phải ưu tiên tăng nhanh sản xuất và xuất khẩu, trong lúc nước sôi lửa bỏng, các nước đều cần gấp vaccine. Nếu đợi đàm phán bãi bỏ bản quyền, thì phải mất khoảng một năm may ra mới thống nhất được, rồi triển khai sản xuất tại các nước cũng phải mất thêm ít nhất nửa năm nữa. Lúc đó thì có thể vaccine hiện tại không còn tác dụng trước các biến thể sẽ còn sản sinh thêm.

EU muốn bảo vệ quyền lợi của các hãng dược châu Âu?

Trong số 4 vaccine được cấp phép tại châu Âu lúc này thì có tới 3 là của Mỹ, 1 của Anh, chỉ có một hãng dược duy nhất của Liên minh châu Âu là BioNTech tham gia một phần. Như vậy khó có thể nói là phía châu Âu muốn bảo vệ quyền lợi của các hãng dược châu Âu. Quan điểm của phía châu Âu cũng còn là, phải đề phòng các biến thể virus mới sẽ còn xuất hiện, cho nên cần động viên các hãng dược sẵn sàng nghiên cứu các dòng vaccine mới chống được các virus biến chủng.

Có một đề xuất đang gây chú ý là với vaccine ngừa các biến thể COVID-19 sau này, các hãng dược chỉ được độc quyền trong một năm đầu tiên, sau thời hạn đó phải công khai bằng sáng chế, như vậy có lợi cho tất cả các bên.

Chia sẻ công thức vaccine ngừa COVID-19 như thế nào cho có hiệu quả cũng sẽ là vấn đề được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới, diễn ra vào thứ 6 tuần sau tại thủ đô Roma của Italy và tại Hội nghị thượng đỉnh Covax, tháng 6 tới đây tại Nhật Bản.

Đàm phán về bãi bỏ bản quyền vaccine nếu diễn ra thì sẽ là trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới và có thể kéo dài đến một năm.

Nga sản xuất hàng loạt vaccine thứ ba KoviVac Nga sản xuất hàng loạt vaccine thứ ba KoviVac

VTV.vn - Sau khi tiêm vaccine KoviVac, người được tiêm có khả năng miễn nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 6 tháng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước