Thế giới đang chạy đua với thời gian để tiêm vaccine COVID-19

Thế giới hôm nay-Thứ sáu, ngày 13/08/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Sự lan rộng của biến thể Delta đã đẩy ngưỡng miễn dịch cộng đồng có thể tiến gần mức 90%. Thúc đẩy người dân đi tiêm vaccine đang là vấn đề của tất cả các nước.

Trước đây, các nước ước tính mức miễn dịch cộng đồng là 70% để có thể kiểm soát COVID-19 và quay lại cuộc sống bình thường, nhưng sự lan rộng của biến thể Delta đã đẩy ngưỡng miễn dịch cộng đồng lên trên 80% và có thể tiến gần mức 90%. Thúc đẩy người dân đi tiêm vaccine đang là vấn đề của tất cả các nước. Các quốc gia đang phát triển thì thiếu vaccine, còn với nhiều nước giàu - nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng đang chững lại vì vẫn có một bộ phận dân chúng e ngại.

Tâm lý chần chừ tiêm vaccine tại Mỹ

Ở Mỹ, nơi đã có đủ vaccine tiêm đi tiêm lại vài lượt cho toàn dân, thì hiện đang có khoảng 30% dân số, với một số lý do nào đó từ chối tiêm chủng. Số ca nhiễm trung bình hàng ngày trong 1 tuần qua ở Mỹ là gần 100 nghìn, tăng gấp 5 lần so với tháng trước. Dịch bệnh lây lan mạnh tại 7 bang với tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất là các bang phía Nam Florida, Texas, Missouri, Arkansas, Louisiana, Alabama và Mississippi. Các bang này chiếm 1/2 ca nhiễm mới của toàn nước Mỹ.

Ông Peter Hotez - Hiệu trưởng Đại học Y Dược Nhiệt đới Baylor, Mỹ cho rằng: "Mọi thứ đang giống như mùa hè năm ngoái và bây giờ cũng sắp tới mùa khai giảng rồi. Sẽ có thêm trẻ em, rồi những nhân viên, thầy cô giáo chưa tiêm chủng bị ảnh hưởng. Thông điệp ở đây rất rõ ràng là phải tiêm vaccine".

Thế giới đang chạy đua với thời gian để tiêm vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

Trong số những người đã nhập viện, tới 60% là chưa tiêm vaccine và tới 99% người tử vong cũng là những người chưa được chủng ngừa.

Chọn lựa vaccine trong khuôn khổ

Có nhiều lý do dẫn đến tâm lý e ngại tiêm vaccine ngừa COVID-19: Lo ngại về một loại vaccine mới, chưa được tiêm bao giờ; lo sợ khi bắt đầu có những ca tử vong hay biến chứng sau tiêm, và cũng có vô số tin giả về vaccine phòng COVID-19.

Chính phủ nhiều nước châu Âu từ khá sớm đã đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền cũng như minh bạch thông tin để có thể trấn an người dân. Ngay từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu, truyền thông Pháp đã luôn thông tin một cách rộng rãi về công nghệ sản xuất của các loại vaccine. Mọi số liệu về các ca đã tiêm chủng cũng được minh bạch hóa và cập nhật hàng ngày. Vì thế, người Pháp đi tiêm mà không đặt ra vấn đề tiêm gì, chọn lựa loại nào và tuân thủ hoàn toàn theo sự phân bổ của chính phủ.

Bà Elizabethe Bouvet - Hội đồng tiêm chủng, Ủy ban sức khỏe của Pháp cho biết: "Thời gian đầu chúng tôi cũng không có nhiều vaccine, chúng tôi đã nghiên cứu và chọn những gì chúng tôi thấy rằng quan trọng nhất cần phải bảo vệ. Ngoài ra phải căn cứ vào nghiên cứu về nhân khẩu nữa, vì mỗi đất nước sẽ có bản đồ về dân số và lứa tuổi rất khác nhau để đưa ra quyết định chống dịch".

Thế giới đang chạy đua với thời gian để tiêm vaccine COVID-19 - Ảnh 2.

Tuy nhiên, cho đến khi AstraZeneca được cho là gây phản ứng tạo huyết khối thì tâm lý chọn lựa bắt đầu xuất hiện. Chiến dịch tiêm chủng của Pháp vì thế chậm lại một nhịp.

Ngay sau khi Ủy ban Dược phẩm châu Âu bỏ lệnh tạm dừng với AstraZeneca, việc tiêm chủng tại Pháp tiếp tục tăng tốc với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng trước cuối năm 2021. Vẫn thế, mọi thông tin về tiêm chủng được công bố rộng rãi, chiến dịch tiêm chủng áp dụng theo nhân khẩu học: Từ 12 -17 tuổi tiêm Pfizer, từ 18 đến 54 tiêm Pfizer và Moderna. Từ 55 tuổi trở lên có thể tiêm AstraZeneca, Johnson & Johnson, Pfizer và Moderna.

Khi quan sát chiến dịch tiêm chủng của Pháp thì thấy có một điều khá thú vị là người dân luôn có cảm giác mình được chọn lựa, nhưng thực chất thì là chọn lựa trong khuôn khổ của những quy định. Ví dụ như không tiêm vaccine không sao, nhưng không thể tham gia vào các hoạt động xã hội vì không có thẻ sức khỏe, có nhiều loại vaccine nhưng lại được quy định tuổi nào thì sẽ tiêm loại nào. Như vậy về thực chất là muốn có đời sống tự do đi lại thì tuân thủ các quy định, và phương pháp này có vẻ như đang giúp nước Pháp đi đúng tiến độ tiêm chủng.

Sáng kiến thúc đẩy tiêm chủng được triển khai rộng khắp tại Đông Nam Á

Mục tiêu là vừa giúp người dân tiếp cận vaccine càng sớm càng tốt, vừa nâng cao nhận thức của mọi người về tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong thời điểm này.

Thế giới đang chạy đua với thời gian để tiêm vaccine COVID-19 - Ảnh 3.

Để nâng cao nhận thức của những người trẻ về hiệu quả của việc tiêm vaccine, Indonesia đã đưa những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội vào nhóm được ưu tiên tiêm vaccine.

Lý do những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội nằm trong danh sách ưu tiên tiêm vaccine cùng với các nhân viên y tế chính là vì Indonesia là một trong số những nước có dân số sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Twitter và Instagram nhiều nhất trên thế giới. Và việc để những người nổi tiếng làm gương, truyền thông điệp tích cực về tiêm vaccine có thể tác động tới số người trẻ tham gia tiêm chủng. Trước đó, hãng hàng không quốc gia Indonesia Garuda cũng triển khai tiêm chủng cho hành khách.

Tại Singapore, khi biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh xuất hiện, Quốc đảo lập tức thay đổi chiến lược tiêm chủng. Từ kế hoạch tiêm tập trung đầy đủ 2 mũi, chính quyền chuyển sang tiêm theo diện rộng để tăng số người được bảo vệ. Sau đó, chính quyền lại quay về chiến lược tiêm tập trung theo nhóm.

Còn Philippines thì thực hiện sáng kiến tiêm vaccine tới nhà với những người già, những người dễ bị tổn thương, khó có điều kiện tiếp cận các cơ sở tiêm chủng. Mục đích là thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine, đồng thời xua đi tâm lý e ngại chủng ngừa trong dân chúng.

Có thể tiêm 2 triệu liều vaccine COVID-19 mỗi ngày Có thể tiêm 2 triệu liều vaccine COVID-19 mỗi ngày

VTV.vn - Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, hiện cả nước đã tiêm được hơn 11 triệu liều vaccine COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước