Thế giới đối mặt với hai hình thái dân số: Nơi chật chội, nơi vắng bóng người

VTV Digital-Thứ năm, ngày 19/01/2023 11:54 GMT+7

VTV.vn - Thế giới đang đối mặt với hai hình thái dân số, nhiều nơi dân cư ngày càng ít dần, nhiều nơi khác dân cư lại tăng chóng mặt.

Nơi các hàng quán phải đóng cửa vì ít người sinh sống, ở nơi khác, các hộ gia đình chen chúc từng mét vuông. Từ kinh tế, giáo dục đến chăm sóc y tế,... tất cả đều bị tác động bởi sự thay đổi dân số.

Dân số Trung Quốc chính thức giảm

Lần đầu tiên trong 6 thập kỷ, dân số Trung Quốc giảm, theo số liệu thống kê được công bố hôm thứ ba. Như vậy, sau nhiều năm lo lắng về tình trạng dân số già đi, nhưng vẫn dự đoán dân số phải gần 1 thập kỷ nữa mới giảm, thì nay Trung Quốc đã chính thức ghi nhận dân số giảm. Số dân chính thức giảm được báo cáo là 850 nghìn người ở vào thời điểm cuối năm 2022 so với 1 năm trước đó. Thống kê này không bao gồm hai đặc khu hành chính Hong Kong, Macao và người nước ngoài định cư ở Trung Quốc.

Về số trẻ em được sinh ra thì ít hơn 1 triệu trẻ em so với năm trước đó. Trong khi số tử vong thì tăng từ 10,14 triệu lên 10,41 triệu.

Thế giới đối mặt với hai hình thái dân số: Nơi chật chội, nơi vắng bóng người - Ảnh 1.

Anh Zhang Huimin - Thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc: "Nếu tôi có em thì bố mẹ tôi sẽ chịu áp lực kinh tế lớn hơn. Thế nên, dân số giảm có thể cũng tốt. Và nếu dân số tiếp tục giảm thì giá nhà có thể sẽ giảm".

Ấn Độ căng mình lo cho số dân trên dưới 1,4 tỷ người

Ngược lại với những nơi dân số giảm đáng lo ngại thì lại có những nước dân số đang tăng nhanh. Ấn Độ được dự báo là sẽ sớm chính thức vượt Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất thế giới. Nhưng tăng dân số cũng đặt ra thách thức rất lớn, tình trạng nghèo đói, ô nhiễm môi trường và những áp lực khác lúc nào cũng khiến đất nước Ấn Độ phải căng mình để lo cho số dân đã trên dưới 1,4 tỷ người.

Mumbai là trung tâm kinh tế, văn hoá và xã hội quan trọng bậc nhất của Ấn Độ. Tổng số dân đang sinh sống ở đây là 20 triệu người và được dự đoán sẽ còn tăng thêm.

Thế giới đối mặt với hai hình thái dân số: Nơi chật chội, nơi vắng bóng người - Ảnh 2.

Chị Jashoda b. Rathod - Thành phố Mumbai, Ấn Độ: "Cả lúc đi làm và khi về nhà tôi đều đi tàu hỏa, đông lắm. Tôi phải đứng suốt vì không kiếm được ghế để ngồi, thậm chí lúc lên xuống tàu cũng phải chen nhau như đánh vật".

Những người như chị Jashoda mỗi ngày phải di chuyển quãng đường dài và làm việc nhiều giờ chỉ để nuôi sống gia đình giống như một cuộc chiến sinh tồn.

Bà Pushpa b. Rathod - Lao công, mẹ của chị Jashoda Rathod: "Lúc mới chuyển đến Mumbai khi 17 tuổi, tôi không thích chỗ này. Cuộc sống ở Mumbai rất khó khăn, nếu không làm việc thì không có gì ăn. Tôi thường xuyên phải đi lấy nước rất xa, thức dậy vào lúc 4 giờ sáng, cho lũ trẻ tắm và ăn xong mới đi làm".

Những cư dân như gia đình bà Pushpa không đủ khả năng chi trả cho chi phí nhà ở cao ngất ngưởng và ngày càng tăng khiến họ phải ở trong những khu ổ chuột ở rìa thành phố.

Thế giới đối mặt với hai hình thái dân số: Nơi chật chội, nơi vắng bóng người - Ảnh 3.

Giống như các siêu đô thị khác của Ấn Độ, vấn đề nhà ở, giao thông, nước và dịch vụ của Mumbai không theo kịp với đà tăng dân số đã khiến khoảng 40% người dân buộc phải sống trong các khu ổ chuột. Vấn đề này không chỉ ở riêng Mumbai mà còn là thực tế ở ngay tại thủ đô New Delhi.

Hãng tin Reuters đưa tin, Ấn Độ ước tính dân số hiện tại là 1,38 tỷ người, giúp Ấn Độ có lực lượng lao động dồi dào trong tương lai. Nhưng cứ mỗi khi một em bé được sinh ra, thì bên cạnh niềm vui của các cha mẹ, nhiều người lại đặt ra câu hỏi liệu trời có thực sự sinh voi - sinh cỏ hay không?

Thế giới đối mặt với hai hình thái dân số: Nơi chật chội, nơi vắng bóng người - Ảnh 4.

Nước Mỹ thì nằm trong số các nước thu nhập cao mà tỷ lệ sinh lại không đủ bù đắp tốc độ giảm dân số đã nhiều thập kỷ nay. Vậy nên, nước này vận dụng truyền thống tiếp nhận lao động nhập cư và thiết lập các điều kiện để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Còn từ năm 2003, Pháp thưởng 800 euro (tương đương hơn 20 triệu VNĐ) cho mỗi trẻ ra đời. Tây Ban Nha còn mạnh tay hơn. Từ năm 2007, mỗi đứa trẻ sinh ra ở Tây Ban Nha được thưởng 2.500 euro (tương đương hơn 63 triệu VNĐ). Trung Quốc ngoài thưởng tiền thì còn giảm thuế để khuyến khích người dân sinh con.

Như vậy, dân số dù tăng hay giảm thì cũng sinh ra nhiều thách thức. Các nước đành phải có những biện pháp ứng phó khôn ngoan, vừa điều chỉnh số dân, vừa thích ứng với hiện trạng tăng, giảm dân số.

An ninh lương thực - vấn đề 'nóng' khi dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ An ninh lương thực - vấn đề "nóng" khi dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ

VTV.vn - Trong bối cảnh dân số thế giới đạt mốc 8 tỷ người trong năm 2022, nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu càng trở nên cấp thiết hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước