Thế giới ủng hộ ứng cử viên nào trở thành Tổng thống Mỹ?

Nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang - Cố vấn cao cấp của CSSD-Thứ hai, ngày 02/11/2020 08:39 GMT+7

VTV.vn - Cuộc bầu cử Mỹ 2020 được thế giới theo dõi sát sao khi không chỉ định hướng nước Mỹ trong ít nhất 4 năm tới mà còn có thể thay đổi cục diện nhiều khu vực trên thế giới.

Cuộc bầu cử đi vào lịch sử nước Mỹ

Cứ 4 năm một lần, nước Mỹ lại làm cho cả thế giới xôn xao bởi sự kiện chính trị vô cùng trọng đại - bầu cử Tổng thống. Là một đương kim siêu cường, nước Mỹ ngày càng cho thấy sự kiện chính trị này không chỉ định hướng cho nước Mỹ trong ít nhất một nhiệm kỳ 4 năm mà còn có thể làm thay đổi cục diện nhiều khu vực trên thế giới. Bởi thế, hàng trăm triệu người trên thế giới quan tâm theo dõi.

Thế giới ủng hộ ứng cử viên nào trở thành Tổng thống Mỹ? - Ảnh 1.

Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử 2020 (Ảnh: AP)

Kinh tế suy thoái và đại dịch COVID-19 hoành hành là hai tai họa nước Mỹ đang phải gánh chịu đúng vào lúc người dân Mỹ phải lựa chọn người lãnh đạo đất nước. Ứng cử viên đảng Cộng hòa, đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang giành giật nhau từng lá phiếu. Mỗi người đều có chỗ mạnh chỗ yếu, kết quả thăm dò cho thấy dù Joe Biden đang dẫn trước, nhưng khoảng cách giữa hai ứng cử viên quá sít sao. Tuy nhiên kết quả thăm dò dư luận không phản ánh chính xác độ tin cậy của cử tri đối với từng ứng cử viên. Tình hình cuộc bầu cử 4 năm trước đã luôn nhắc nhở mọi người, nhất là các nhà quan sát, về điều này. Cuộc bầu cử lần này bởi thế càng đầy kịch tính, càng trở nên hấp dẫn mà nhiều người bên ngoài cảm thấy như đang xem một trận đấu trên sân cỏ giữa hai đội ngang sức ngang tài vậy.

Thế giới ủng hộ ứng cử viên nào trở thành Tổng thống Mỹ? - Ảnh 2.

Tổng thống Trump với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" (Ảnh: EA WorldView)

Thế giới ủng hộ ứng cử viên nào trở thành Tổng thống Mỹ? - Ảnh 3.

Ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ (Ảnh: AP)

Thế giới ủng hộ ứng cử viên nào?

Thế giới quan tâm đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tất nhiên không chỉ vì sự hấp dẫn của một sự kiện chính trị lớn, như xem một trận đấu thể thao, mà còn vì nó ảnh hưởng thế nào đến lợi ích của đất nước mình và bản thân mỗi người. Người dân Mỹ quan tâm đến các chính sách đối nội nhiều hơn, còn các quốc gia khác tất nhiêu quan tâm nhiều đến chính sách nước Mỹ đối với khu vực và đối với đất nước họ.

Các nhân vật quan trọng trong chính giới không dại gì công khai lên tiếng ủng hộ ai trước một cuộc bầu cử của nước khác, nhưng các nhà nghiên cứu thường suy đoán từ những phát biểu liên quan của họ.

Quan điểm các nước châu Âu

Ở châu Âu, có vẻ như người ta đang hy vọng vào ứng cử viên của đảng Dân chủ nhiều hơn. Qua 4 năm cầm quyền của Donald Trump, người ta cảm thấy chính sách châu Âu của Mỹ nhiều mâu thuẫn. Một mặt ông Trump muốn châu Âu kề vai sát cánh cùng nước Mỹ đối phó với Trung Quốc, nhưng mặt khác lại chi li tính toán thiệt hơn, gây tổn hại không nhỏ cho các đồng minh ở đây. Năm 2018, EU cảm thấy thất vọng khi Mỹ áp thuế thép và nhôm lên Liên minh châu Âu. Tháng 7 năm nay, Mỹ chính thức tuyên bố rút 11.900 binh sĩ, tức khoảng 1/3 quân số Mỹ đang đồn trú tại Đức làm cho các đồng minh châu Âu của Mỹ càng lo ngại.

Người ta cho rằng, Tổng thống Trump đang làm cho NATO yếu đi và điều này chỉ có lợi cho các đối thủ như Nga, Trung Quốc mà thôi. Lý do mà ông Trump đưa ra khá đơn giản. Ông thường xuyên chỉ trích đồng minh NATO, đặc biệt là Đức, vì không đáp ứng mức đóng góp chi tiêu quân sự ở mức 2% GDP. Ông nói: "Chúng ta không muốn trở thành kẻ khờ nữa... Chúng ta sẽ cắt giảm lực lượng vì Đức không thanh toán hóa đơn đầy đủ. Điều đó rất đơn giản".

Thế giới ủng hộ ứng cử viên nào trở thành Tổng thống Mỹ? - Ảnh 4.

Tổng thống Trump luôn chủ trương yêu cầu NATO chia sẻ gánh nặng chi phí quân sự (Ảnh: NATO)

Một số nhà nghiên cứu châu Âu cho rằng, họ lo ngại việc ông Trump tái cử vì điều đó đồng nghĩa có thêm 4 năm căng thẳng nữa, các nước lớn của Châu Âu đang hy vọng Mỹ có Tổng thống mới khác hiện nay để thay đổi chính sách trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, quan hệ thương mại, vai trò NATO và thỏa thuận hạt nhân Iran.

Quan điểm của các nước châu Á

Còn ở châu Á, đặc biệt là Đông Á, thái độ đối với chính quyền của Tổng thống đương nhiệm cũng khá là phức tạp. Đây là khu vực bị tác động nhiều nhất trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc mấy thập kỷ qua. Từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, Trung Quốc phát triển không ngừng, vượt qua Nhật Bản một cach dễ dàng lên đứng vị trí thứ hai thế giới, trật tự kinh tế khu vực thay đổi mạnh mẽ. Vai trò của Mỹ ở đây ngày càng mờ nhạt.

Với chiến lược "Xoay trục" - "Tái cân bằng", chính quyền cựu Tổng thống Obama từng hy vọng củng cố lại vai trò của nước Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương. Dù đã nỗ lực nhiều năm nhưng gần như chưa "xoay" được gì đáng kể, coi như chưa thực hiện được. Vào thời điểm ông Donald Trump đắc cử tổng thống năm 2016, cũng là lúc Trung Quốc đã rất lớn mạnh và tự tin vào tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của mình. Chính quyền ông Trump buộc phải thay đổi chiến lược hoàn toàn, công khai tuyên bố kiềm chế Trung Quốc, ngăn chặn các mối đe dọa quân sự, kinh tế và các hành vi coi thường luật pháp quốc tế của nước này. Mỹ quyết tâm tấn công Trung Quốc một cách trực diện và kiên quyết, bắt đầu bằng việc phát động cuộc chiến tranh thương mại.

Nếu như chiến lược của chính quyền ông Obama (khi đó ông Biden là Phó Tổng thống) là tổng thể, bao gồm các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự và ngoại giao với các biện pháp củng cố các liên minh quân sự, thiết lập các cơ chế hợp tác kinh tế... thì chiến lược của chính quyền Tổng thống Donald Trump chủ yếu tập trung kiềm chế Trung Quốc. Nhân tố tích cực mà ông mang lại là tạo được sự cân bằng sức mạnh tương đối trong khu vực, các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc, cảm thấy tự tin hơn. Nhưng các mối quan hệ đồng minh với Mỹ trong khu vực trở nên lỏng lẻo hơn nếu không nói là rạn nứt, gây lo ngại ít nhiều cho các đồng minh trong khu vực.

Cũng tương tự như đối với các đồng minh châu Âu, Mỹ nhất quyết đòi Nhật Bản đóng 8 tỷ USD mỗi năm để duy trì lực lượng quân sự Mỹ tại nước này. Khoản phí này cao gấp 4 lần con số mà Nhật Bản hiện phải chi trả. Hàn Quốc phải trả 5 tỷ USD mỗi năm. Nếu không, Mỹ sẽ không bảo vệ an ninh cho các quốc gia đồng minh này. Cựu Cố vấn an ninh Nhà Trắng John Bolton viết trong hồi ký của mình: "Cách để thu được khoản chi phí quân sự trị giá 8 tỷ và 5 tỷ USD mỗi năm chính là đe dọa rút toàn bộ lực lượng Mỹ về nước".

Thế giới ủng hộ ứng cử viên nào trở thành Tổng thống Mỹ? - Ảnh 5.

Mỹ đòi Nhật Bản đóng 8 tỷ USD/ năm để duy trì lực lượng quân sự Mỹ tại Nhật Bản (Ảnh: Japan Today)

Về hợp tác kinh tế thương mại khu vực, ngay khi mới nhậm chức, ông Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Chính quyền Tổng thống Obama đã dành rất nhiều tâm huyết mới đạt được.

Lần này, nếu Tổng thống Donald Trump tái nhiệm, chính sách đó của ông chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục và cuộc cạnh tranh với Trung Quốc sẽ quyết liệt hơn. Nhưng nếu ông Joe Biden thắng cử, chuyện gì sẽ xẩy ra với khu vực Đông Á? Tôi tin rằng, cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ không nguội bớt nhưng phương thức có thể được điều chỉnh lại.

Chưa bao giờ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ có sự đồng thuận cao về cách nhìn nhận Trung Quốc như bây giờ. Người ta dự báo, ông Joe Biden sẽ tiếp tục thực hiện ý tưởng của cựu Tổng thống Barack Obama trước đây nhưng sẽ bằng những chính sách mới thích hợp hơn. Các mối quan hệ đồng minh, các cơ chế hợp tác khu vực sẽ được Mỹ quan tâm hơn, chủ nghĩa đa phương được coi trọng. Thế nhưng, vấn đề dân chủ, nhân quyền mà ông Trump coi nhẹ cũng sẽ được được ông Biden quan tâm hơn, bởi đó là truyền thống của đảng Dân chủ. Nhiều quốc gia trong khu vực phải tính đến điều này vì quan niệm giá trị Đông-Tây không hoàn toàn giống nhau.

Như vậy, dù là ông Trump hay ông Biden thắng cử, nước Mỹ vẫn coi khu vực Đông Á là địa bàn chiến lược quan trọng của Mỹ.

Trung Quốc trông đợi điều gì?

Đó là câu hỏi nhiều người quan tâm trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Từ ngày lên cầm quyền, Tổng thống Trump đã bắt đầu thi hành chính sách đối đầu với Trung Quốc. Ông tấn công trực diện trên mọi lĩnh vực, từ cuộc chiến tranh thương mại đến chiến dịch tuyên truyền cô lập Trung Quốc, đến cả vấn đề Hong Kong, Đài Loan, Tây Tạng... gây tổn thất to lớn cho đất nước này cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao. Từ thực tế này, đa số các nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc đang trông vào sự thất bại của Tổng thống Trump. Nhưng tôi vẫn nghi ngờ về suy đoán này.

Thế giới ủng hộ ứng cử viên nào trở thành Tổng thống Mỹ? - Ảnh 6.

Quan hệ Mỹ -Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỉ (Ảnh: AP)

Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Trung Quốc vẫn giữ kín thái độ thiên về bên nào bởi nhiều lý do. Trung Quốc nhận biết rằng, đảng Dân chủ cũng chẳng có thiện cảm gì hơn đối với Trung Quốc, Trump hay Biden đều là thách thức đối với họ cả. Nhìn lại 4 năm qua, Tổng thống Trump đã gây bao tổn thất, cản trở bước tiến của Trung Quốc, nhưng ông cũng làm được nhiều việc có lợi cho Trung Quốc. Mỹ từ bỏ vai trò dẫn dắt nhiều cơ chế quốc tế mà người ta coi là đã tạo cơ hội vàng cho Trung Quốc như rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) v.v... Có lẽ chỉ có Trung Quốc mới đủ khả năng thay thế vai trò dẫn dắt ở đây.

Cũng nhờ chủ trương "Nước Mỹ trước tiên" mà các mối quan hệ đồng minh chiến lược của Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... trở nên kém bền chặt hơn, điều này Trung Quốc đã mong chờ từ lâu. Điều đó dẫn đến tình trạng chiến dịch của Mỹ thuyết phục lập mặt trận bao vây cô lập Trung Quốc khó thành hiện thực, sự nhiệt tình của các đồng minh chưa đủ, phần vì lợi ích của họ trong mối quan hệ với Trung Quốc, phần vì nước Mỹ vẫn khăng khăng tính hơn thiệt với các đồng minh làm giảm lòng tin của họ. Ông Biden có thể làm những gì ông đã hứa trong tranh cử là ông sẽ không nhẹ tay với Trung Quốc nhưng có thể thay đổi một số biện pháp mà theo ông là có lợi cho nước Mỹ hơn. Ông cam kết sẽ củng cố các mối quan hệ đồng minh trên thế giới, điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Mỹ trong tập hợp lực lượng chống Trung Quốc. Ngoài ra ông cũng hứa sẽ thúc đẩy vấn đề dân chủ nhân quyền và giá trị Mỹ, điều mà đảng Dân chủ đã chỉ trích Trump đang làm ngơ. Điều này có nghĩa là việc Mỹ can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương sẽ mạnh mẽ hơn.

Như vậy, trong hai ứng cử viên Tổng thống, không có ứng cử viên nào là lý tưởng đối với Trung Quốc cả. Thậm chí, theo một số phân tích, bất chấp thái độ cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc và việc quan hệ Trung - Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ khi thiết lập quan hệ tới nay, Bắc Kinh nhiều khả năng vẫn hy vọng Tổng thống Trump tái cử, cho rằng nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump sẽ suy yếu, tạo thời cơ để Trung Quốc trỗi dậy.

Giáo sư Diêm Học Thông, Chủ nhiệm khoa Quan hệ quốc tế Đại học Thanh Hoa, cho rằng với quan điểm cá nhân, lợi ích của Trung Quốc sẽ "dành cho Tổng thống Trump hơn là ông Biden". "Không phải vì Tổng thống Trump sẽ gây thiệt hại ít hơn cho lợi ích của Trung Quốc so với ông Biden, mà bởi vì ông ấy chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho Mỹ nhiều hơn ông Biden".

Ngày bầu cử đã đến gần, các cuộc tranh luận gay gắt và thú vị càng trở nên sôi nổi. Tất cả những câu hỏi sắp sửa được trả lời bằng kết quả sau Ngày bầu cử 3/11.

Nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang - Cố vấn cao cấp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển triển quan hệ quốc tế (CSSD)

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước