Một lớp học tại trường Tiểu học Tương Dương ở một ngôi làng hẻo lánh thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. (Ảnh: China Daily)
Các địa phương của Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ về lương, nhà cửa, hộ khẩu. Đây là một trong những nội dung chính được nhiều tờ báo tại nước này phản ánh.
"Thượng Hải nới lỏng chính sách hộ khẩu để thu hút nhân tài" là tít trên báo China Daily. Điều kiện để được nhập hộ khẩu là những sinh viên tốt nghiệp từ 50 trường đại học hàng đầu thế giới theo xếp hạng của Times Higher Education (Mỹ), làm việc ổn định tại Thượng Hải trong một năm; hay sinh viên ra trường từ 100 trường đại học hàng đầu thế giới, làm việc 6 tháng, đóng bảo hiểm xã hội. Trước đó, thành phố Thượng Hải cũng ưu đãi hộ khẩu cho sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Phúc Đán, Đại học Giao thông Thượng Hải… Tại Trung Quốc, hộ khẩu có ý nghĩa quan trọng cho con đi học, mua nhà.
Thâm Quyến, thành phố trung tâm công nghệ của Trung Quốc với 13 triệu dân, nơi có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước, dùng chính sách nhà ở để chiêu dụ nhân tài. Theo quy hoạch, đến năm 2035, Thâm Quyến sẽ xây dựng 1,7 triệu đơn vị nhà ở, trong đó tỷ lệ nhà ở cho nhân tài, nhà cho thuê sẽ không dưới 60%. Năm 2022, nguồn cung đất ở tại Thâm Quyến sẽ đặc biệt nghiêng về "nhà ở cho tài năng" với hơn 15.000 căn nhà với giá bán ưu đãi.
Các địa phương lớn tại Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt chính sách đãi ngộ tốt nhằm chiêu dụ nhân tài. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Còn tại tỉnh giàu có hàng đầu Chiết Giang, được chọn làm thí điểm Thịnh vượng chung, đưa ra chính sách chiêu dụ nhân tài mà khó có ứng viên nào chối từ. Sinh viên tốt nghiệp giỏi đến làm việc được trợ cấp tiền nhà, sinh hoạt phí từ 20.000 đến 400.000 Nhân dân tệ (khoảng 70 triệu đồng đến 1 tỷ 400 triệu đồng). Sinh viên tốt nghiệp muốn khởi nghiệp các dự án được xét duyệt từ 100.000 đến 500.000 Nhân dân tệ (tương đương 350 triệu đồng đến 1 tỷ 750 triệu đồng) với lãi suất cực thấp. Nếu dự án thất bại, Chính phủ Trung Quốc sẽ đứng ra bồi thường cho ngân hàng từ 80 - 100%...
Chiết Giang là tỉnh có nhiều tỷ phú giàu có hàng đầu Trung Quốc, cũng là địa phương kinh doanh năng động nhất nhì nước này.
Trong tuần này, kỳ thi Cao khảo, kỳ thi đại học sàng lọc khốc liệt hàng đầu thế giới với chỉ chưa đầy 2% số thí sinh đỗ vào 39 trường danh tiếng nhất nước, đã diễn ra. Cả xã hội náo nức, huy động nguồn lực mạnh nhất phục vụ cho gần 12 triệu thí sinh. Trung ương Đảng, Chính phủ Trung Quốc ra chỉ thị đảm bảo cho kỳ thi an toàn tuyệt đối. Hơn 3 triệu 100 nghìn cảnh sát được huy động. Các ban ngành, đoàn thể tiếp sức cho kỳ thi.
Ở xã hội còn nặng về khoa cử như Trung Quốc, việc đỗ vào trường đại học danh giá được xem như tương lai rộng mở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!