Tính đến cuối năm 2023, số người trên 60 tuổi ở Trung Quốc đã lên đến 297 triệu người, chiếm hơn 20% tổng dân số. Sẽ có thêm 300 triệu người bước vào tuổi nghỉ hưu tại Trung Quốc trong thập kỷ này - con số tương đương với gần như toàn bộ dân số Mỹ.
Euromonitor ước tính vào năm 2040, cứ hai người trên 65 tuổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có một người sống ở Trung Quốc.
Già hóa dân số đặt ra thách thức liên quan đến việc thiếu nhân lực, làm giảm tốc độ phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, xu hướng già hóa dân số nhanh chóng cùng những chính sách hỗ trợ hợp lý lại đang tạo ra thị trường đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phục vụ cho người cao tuổi. Ngành kinh tế phục vụ người cao tuổi - hay còn gọi là "kinh tế tóc bạc" - đang trở thành động lực mới trong tăng trưởng ở Trung Quốc.
Nhiều địa phương ở Trung Quốc đang thí điểm và thực hiện các mô hình cung cấp dịch vụ dưỡng lão cho người cao tuổi ngay tại nhà và khu dân cư bằng việc áp dụng công nghệ cao và thu hút nguồn lực xã hôi.
Chính phủ Trung Quốc gần đây đã công bố chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho các sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao tuổi, với cam kết sẽ tăng cường nỗ lực để phát triển nền "kinh tế tóc bạc".
Không thể phủ nhận tiềm năng của nền "kinh tế tóc bạc". Tuy nhiên, có một thực trạng là lượng dân số về hưu khổng lồ của Trung Quốc cũng sẽ tiêu tốn một nguồn lực lớn. Lực lượng lao động ngày càng suy giảm trong khi các quỹ hưu trí dần cạn kiệt và hệ thống y tế có nguy cơ quá tải là điều đang xảy ra ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Chính vì vậy, song song với việc phát triển nền "kinh tế tóc bạc", Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra những biện pháp, chính sách khuyến khích các gia đình kết hôn sớm và sinh con, ví dụ như miễn giảm nhiều loại thuế và trợ giá mua nhà.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!