Trung tâm nghiên cứu năng lượng Ember cho biết, ngành công nghiệp nhôm của Trung Quốc đang khai thác nhiệt điện than kém hiệu quả và hành động này cần một lời cảnh tỉnh khẩn cấp ngay lập tức để Bắc Kinh có thể đáp ứng các cam kết về khí thải CO2 của mình.
Hiện nay, Trung Quốc sản xuất hơn một nửa tổng sản lượng nhôm toàn cầu, đạt con số kỉ lục là 37 triệu tấn vào năm 2020. Vào ngày 22/09/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố, nước này đặt mục tiêu đạt được mức phát thải cao CO2 cao nhất vào năm 2030 và trung hòa carbon (đưa mức CO2 về 0) trước năm 2060.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với mục tiêu đưa mức CO2 về 0 trước năm 2060 (Nguồn: Dantri)
Tuy nhiên, trong một báo cáo của Ember được công bố vào thứ Hai cho biết, sản lượng nhôm kỷ lục của Trung Quốc vào năm ngoái đã thải ra nhiều khí CO2 hơn toàn bộ một số quốc gia với con số là 667 triệu tấn CO2 - lớn hơn tổng lượng khí thải của Indonesia và Brazil. Trong số này, hơn 75% là từ nhiệt điện than được sản xuất cho quá trình điện phân nhôm (quá trình tạo ra CO2), đặc biệt là các sản phẩm từ công suất cố định do các nhà sản xuất nhôm sử dụng và quản lý để sử dụng cho chính họ.
Tác giả của báo cáo - Muyi Yang - chia sẻ với Reuters, trong vòng 10 năm tới, Trung Quốc sẽ cần phải giảm thiểu khoảng 47 gigawatt công suất điện than khai thác không hiệu quả dành riêng cho việc sản xuất nhôm nếu nước này muốn trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này.
Theo Yang, các nhà sản xuất từ lâu đã phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt điện than để sản xuất nhôm sơ cấp và hiện đang không có dấu hiệu giảm xuống dù tổng thể điện lưới của nước này có một con số khả quan hơn. Tỷ trọng điện đốt than trong lưới điện giảm từ 77% năm 2010 xuống 62% năm 2019, trong khi con số tương ứng của điện phân nhôm vẫn ở mức khoảng 90%.
Tỷ trọng điện đốt than có dấu hiệu giảm trong khi điện phân nhôm vẫn ở mức cao (Nguồn: Ember)
Trung Quốc đã có những sự tác động lên các nhà sản xuất nhôm bằng cách thúc đẩy họ sử dụng các nguồn điện sạch hơn và tham gia chương trình buôn bán phát thải đã được Trung Quốc mong đợi từ lâu. Bên cạnh đó, những năm gần đây đã chứng kiến sự di cư đáng kể của công suất nhôm đến tỉnh Vân Nam phía Tây Nam Trung Quốc, nơi có nguồn thủy điện dồi dào, một dấu hiệu cho thấy sự cố gắng giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiệt điện than để sản xuất nhôm.
"Vẫn cần phải có nhiều hành động hơn", Yang, nhà phân tích chính sách điện cấp cao tại Ember cho biết. "Mức độ của thách thức hiện nay là rất lớn".
Các nhà máy sản xuất nên sử dụng điện sạch hơn nếu có nhưng cũng có thể cải thiện hiệu quả sản xuất và tái chế nhôm tốt hơn, ông nói thêm rằng, Trung Quốc nên khuyến khích sử dụng nhôm hiệu quả hơn trong nền kinh tế của mình.
Tại Trung Quốc, hầu hết nhôm được sản xuất trong năm ngoái là để sử dụng trong nước, không phải để xuất khẩu. Trung Quốc đã xuất khẩu 6% sản lượng vào năm ngoái, so với hơn 14% trong năm 2019. Trung Quốc thậm chí đã nhanh chóng trở thành nhà nhập khẩu nhôm lần đầu tiên sau 15 năm vào tháng 7 và tháng 8. Điều đáng chú ý là số liệu xuất khẩu chỉ bao gồm xuất khẩu nhôm cuộn bán thành phẩm; nó không bao gồm xuất khẩu thành phẩm sử dụng nhôm như một phần của quy trình sản xuất của họ.
Ember cho biết, hơn 45% công suất than bị sử dụng không hiệu quả của Trung Quốc nằm ở trung tâm nấu chảy của tỉnh Sơn Đông, với hơn một phần ba trong số đó, tương đương khoảng 17 gigawatt, thuộc về nhà sản xuất khu vực tư nhân hàng đầu China Hongqiao Group.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!