Ngoài điều trị tiểu đường, thuốc Ozempic cũng tác dụng phụ là làm giảm cân, nên những người mắc bệnh béo phì cũng dùng thuốc này. Tại Anh, các bác sĩ không kê đơn thuốc này cho người không mắc tiểu đường tuýp 2.
Ngày 24/10, Văn phòng liên bang Áo về chăm sóc y tế an toàn (BASG) cho biết, một số người đã phải nhập viện sau khi sử dụng thuốc trị tiểu đường Ozempic bị nghi là giả. BASG không đưa ra con số chính xác về số lượng bệnh nhân bị ảnh hưởng, cũng như mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, BASG thông tin, các bệnh nhân đã bị hạ đường huyết, co giật và bị tác dụng phụ nghiêm trọng do sản phẩm có chứa insulin, thay vì thành phần hoạt chất semaglutide trong Ozempic.
Tuần trước, Cơ quan Quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu cảnh báo, thuốc Ozempic chứa hoạt chất semaglutide bào chế dưới dạng dung dịch trong bút tiêm bị dán nhãn sai. Trong khi đó, hãng dược phẩm Novo Nordisk cảnh báo sự gia tăng các phiên bản giả mạo của thuốc Ozempic, cũng như thuốc giảm cân Wegovy.
Dù chỉ có Wegovy được chấp thuận chỉ định cho bệnh béo phì, nhưng thực tế là Ozempic cũng dẫn đến giảm cân đáng kể, vì vậy nhiều người dân Mỹ và châu Âu đã sử dụng loại thuốc này cho mục đích không ghi trên nhãn mác, tức là công dụng chưa được cấp phép. BASG cho biết, điều này đã dẫn đến sự thiếu hụt thuốc Ozempic và các tổ chức tội phạm đã lợi dụng tình hình này để tuồn hàng giả.
Hôm 23/10, Cơ quan tình báo tội phạm của Áo cho biết, lô hàng bị ảnh hưởng có thể không đến từ các hiệu thuốc và số hàng này có thể vẫn đang được lưu hành. Theo cơ quan này, dù các gói hàng giả bị nghi ngờ hiện là bút tiêm Ozempic có hàm lượng 1 miligam, nhưng không thể loại trừ các bút tiêm với hàm lượng khác cũng bị ảnh hưởng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!