Trong báo cáo cập nhật thương mại toàn cầu tháng 12/2023, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo thương mại năm nay sẽ đạt khoảng 30,7 nghìn tỷ USD, giảm gần 2 nghìn tỷ USD so với năm ngoái. Sự sụt giảm này một phần là do hoạt động xuất khẩu của một số nền kinh tế chững lại do nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Theo cơ quan này, thương mại toàn cầu đã trải qua sự suy giảm trong suốt năm 2023, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi nhu cầu giảm ở các quốc gia phát triển, tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế Đông Á và giá hàng hóa giảm.
Ông Pierre-olivier Gourinchas - Nhà kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ Quốc tế: "Trong khoảng một năm trở lại đây, chúng ta đã thấy sự quay trở lại với dịch vụ. Mọi người ra ngoài nhiều hơn, họ đi du lịch nhiều hơn, điều đó có nghĩa là cầu hàng hóa ít hơn, cầu dịch vụ nhiều hơn. Điều đó cũng góp phần làm cho thương mại tăng trưởng chậm hơn".
Báo cáo cũng chỉ ra một số yếu tố có liên quan nhất ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu như chênh lệch đáng kể về triển vọng kinh tế năm 2024 giữa các quốc gia và khu vực; lãi suất duy trì ở mức cao ở một số nền kinh tế cản trở hoạt động kinh tế; xung đột và căng thẳng địa chính trị dai dẳng có thể làm tăng thêm sự bất ổn cho thị trường hàng hóa và việc sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại đã tăng lên vào năm 2023.
Bà Ngozi Okonjo-iweala - Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho rằng: "Các thành viên WTO phải nắm bắt cơ hội để củng cố khuôn khổ thương mại toàn cầu bằng cách tránh chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy một nền kinh tế toàn cầu linh hoạt và toàn diện hơn. Nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nước nghèo, sẽ gặp khó khăn trong việc phục hồi nếu không có một hệ thống thương mại đa phương ổn định, cởi mở, có thể dự đoán được dựa trên luật lệ và công bằng".
Theo cơ quan của Liên hợp quốc, các quốc gia có liên kết về địa chính trị đang giao dịch nhiều hơn với nhau, trong khi những nước bất đồng đang giao dịch ít hơn.
Tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu
Cùng với những tác động đa chiều, tổng hợp từ xung đột địa chính trị, lạm phát, các hệ lụy từ biến đổi khí hậu, kinh tế đang đứng trước nhiều thách thức. Và để thích ứng, nhiều quốc gia đang đẩy mạnh tái định hình chuỗi cung ứng, đa dạng hóa nhà cung cấp và phát triển bền vững. Đây đều là những thay đổi sâu rộng và có thể lâu dài trong cách các công ty quản lý dòng hàng hóa từ nguồn nguyên liệu đến sản xuất và phân phối.
Nắm bắt được những dịch chuyển của dòng sản xuất toàn cầu, Singapore đang hợp tác với Malaysia và Indonesia để xây dựng chuỗi cung ứng khu vực mạnh mẽ. Với lợi thế là việc gia tăng đầu tư từ Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á trong những năm gần đây, Singapore đang tăng cường hợp tác với các nước láng giềng để thiết lập cơ sở sản xuất chung.
Bà Jacqueline Poh - Giám đốc điều hành Hội đồng Phát triển Kinh tế Singapore (EDB): "Chúng tôi đang tăng cường nỗ lực trong chuỗi cung ứng khu vực và hợp tác với Malaysia và Indonesia, đặc biệt là ở 'SIJORI', tên ghép viết tắt của Singapore, Johor (ở Malaysia) và Quần đảo Riau (ở Indonesia), để nâng cao khả năng đầu tư, vốn đầu tư vào các vùng lãnh thổ này, để khu vực Đông Nam Á chúng ta có thể trở thành một cơ sở sản xuất mạnh mẽ hơn nhiều".
Khu vực hóa, tức là sản xuất gần nơi tiêu thụ hơn, là một trong những thay đổi đang định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc đa dạng hóa đối tác kinh tế, mở rộng mạng lưới nhà cung cấp khắp thế giới để phân tán rủi ro cũng là xu thế chung hiện nay. Chính những thay đổi này sẽ góp phần giúp chuỗi cung ứng phát triển bền vững, có khả năng chống lại sự gián đoạn tốt hơn, không để bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước các mối đe dọa như đại dịch hay xung đột địa chính trị.
Ông Rahamtalla Mohamed Osman Elnor - Đại diện thường trực của Liên minh châu Phi tại Trung Quốc: "Rõ ràng nhiều quốc gia đã phải đối mặt với tình trạng gián đoạn do COVID-19, điều này đã khiến tất cả các quốc gia hiểu ra rằng họ phải gắn kết với nhau, phải chung sống cùng nhau. Rằng nếu không có sự hợp tác chặt chẽ thì trong chuỗi cung ứng, tất cả các nước sẽ gặp khó khăn".
Ông Yu Jianlong - Phó chủ tịch Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc: "Để duy trì sự ổn định và thông suốt của chuỗi cung ứng và nền công nghiệp toàn cầu, thì cần phải tăng cường hoạt động kinh tế và thương mại quốc tế. Việc mở rộng hợp tác trong đổi mới công nghệ sẽ mang lại sự hỗ trợ vững chắc, tăng cường quản trị kinh tế toàn cầu sẽ là sự đảm bảo mạnh mẽ cho việc duy trì ổn định và thông suốt của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu".
Tuy nhiên, việc định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là phải làm sao để có thể đảm bảo tính bền vững, duy trì hợp tác, thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa. Thời gian tới, cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ diễn ra quyết liệt hơn, nhất là giữa các nước đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động, như các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico. Để đón nhận sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, các quốc gia cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đội ngũ lao động có trình độ, kỹ năng, dễ đào tạo, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty đa quốc gia khi dịch chuyển cơ sở sản xuất.
Triển vọng thương mại toàn cầu 2024
Qua các phân tích có thể thấy, trước những cơn gió ngược, các nước đang tích cực điều chỉnh các chính sách nhằm tìm đường vượt khó. Năm 2024 đang ở phía trước, với những tác động được nhận định là vẫn còn những khó khăn nhưng cũng có nhiều điểm sáng.
Khó khăn là bởi tình trạng bất ổn chính trị, xung đột vũ trang vẫn chưa chấm dứt, trong khi các biện pháp thắt chặt tài chính tại nhiều nước cũng phủ bóng triển vọng tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn có những điểm tích cực từ các tín hiệu kinh tế cuối năm từ các nền kinh tế đang phát triển cũng như tình trạng lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn đã hạ nhiệt đáng kể, tạo đà cho việc thay đổi chính sách vào năm tới.
Báo cáo Cập nhật Thương mại Toàn cầu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển đánh giá thương mại toàn cầu năm 2024 vẫn bấp bênh. Một số chỉ số kinh tế có thể cải thiện, nhất là du lịch. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị dai dẳng, mức nợ cao sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến mô hình thương mại toàn cầu.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong năm tới, bối cảnh thương mại quốc tế sẽ là xung đột. Thương mại sẽ càng trở thành trọng tâm trong các chiến lược răn đe. Tuy nhiên, triển vọng thương mại toàn cầu vẫn có những điểm sáng.
Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo, tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể đạt 3,3% vào năm 2024, tăng mạnh so với mức 0,8% của năm nay.
WTO nhận định, sự gia tăng thương mại các mặt hàng có chu kỳ kinh doanh, như máy móc và hàng tiêu dùng lâu bền, sẽ kéo theo thương mại toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Trong đó, châu Á dự kiến là khu vực có xuất khẩu và nhập khẩu tăng mạnh nhất.
Ông Ralph Ossa - Nhà kinh tế trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO): "Chúng tôi thấy một số dấu hiệu trong dữ liệu về sự phân mảnh thương mại liên quan đến căng thẳng địa chính trị. May mắn là quá trình phi toàn cầu hóa rộng hơn vẫn chưa xuất hiện. Dữ liệu cho thấy, hàng hóa tiếp tục được sản xuất thông qua các chuỗi cung ứng phức tạp, nhưng sự mở rộng của các chuỗi này có thể đã chững lại, ít nhất là trong ngắn hạn. Xuất nhập khẩu có triển vọng tăng trưởng tích cực vào năm 2024 nhưng chúng ta phải luôn cảnh giác".
WTO nhận định, những xu hướng chính định hình thương mại toàn cầu năm 2024 là: Tái định hình chuỗi cung ứng, sự hấp dẫn của các thỏa thuận nhỏ, hoạt động của các "Câu lạc bộ trợ cấp", số hóa thương mại. Về mặt tổng thể, WTO cho rằng, triển vọng thương mại năm 2024 được duy trì ở mức cân bằng, có cả tích cực và khó khăn. Tăng trưởng thương mại sẽ tăng ở mức chậm nhưng ổn định. Các lĩnh vực nhạy cảm hơn với chu kỳ kinh doanh sẽ ổn định và hồi phục khi lạm phát giảm và lãi suất bắt đầu giảm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!