Sự cố sập cầu cũng khiến các công ty bảo hiểm có thể phải đối mặt với khoản bồi thường khổng lồ được dự báo có thể phá vỡ kỷ lục thế giới về số tiền bảo hiểm cho một tai nạn hàng hải.
Theo hãng tin Reuters, giới phân tích và các đơn vị cung cấp bảo hiểm đang đánh giá số tiền những doanh nghiệp này sẽ phải chi trả trong vụ cầu bị sập ở cảng Baltimore. Cây cầu này vốn là tuyến là đường giao thông huyết mạch nên sự cố đã gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho một những hải cảng nhộn nhịp nhất bờ Đông nước Mỹ. Ngoài tiền bảo hiểm cho con tàu gặp sự cố, hàng hóa và cây cầu, ngành bảo hiểm cần chuẩn bị trước cho những "tác động cấp 2" liên quan hoạt động kinh doanh hay chuỗi cung ứng bị gián đoạn
Ông Marcos Alvarez - Giám đốc điều hành công ty đánh giá tín nhiệm bảo hiểm toàn cầu Morningstar DBRS - nói: "Tùy thuộc vào thời gian tắc nghẽn và tính chất của phạm vi bảo hiểm làm gián đoạn kinh doanh đối với cảng Baltimore, tổn thất được bảo hiểm có thể rơi vào khoảng từ 2 tới 4 tỷ USD".
Nếu khoản bồi thường cho tai nạn này chạm mốc 4 tỷ USD, con số sẽ phá vỡ kỷ lục khoản tiền bồi thường bảo hiểm cho một vụ việc trong lịch sử hàng hải - thuộc về tai nạn du thuyền hạng sang Costa Concordia bị lật nghiêng hồi năm 2012.
Mặc dù tổng số tiền yêu cầu bồi thường dự kiến sẽ cao kỷ lục nhưng áp lực chi trả sẽ được giảm nhẹ do được dàn trải cho khoảng 80 công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm riêng lẻ.
Ước tính, việc đóng cửa cảng chỉ trong một tháng có thể khiến bang Maryland thiệt hại tổng cộng 28 triệu USD. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Mỹ, có khoảng 8.000 việc làm trực tiếp liên quan đến các hoạt động tại cảng, đem về mức thu nhập 2 triệu USD/ngày.
Ông Wes Moore - Thống đốc bang Maryland, Mỹ - cho biết: "Chính quyền bang đã gửi lời đề xuất trợ cấp trị giá 60 triệu USD lên chính phủ cho công cuộc dọn dẹp và tái thiết. Khoản tiền này đã được chấp thuận. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để có thể sớm mở lại tuyến đường thủy này vì nó rất quan trọng với nền kinh tế của bang và cả đất nước. Công việc này tất nhiên không thể nhanh chóng được, còn cả một con đường dài phía trước".
Theo các chuyên gia, vụ việc sẽ buộc các cảng và chính quyền phải đánh giá lại độ chắc chắn của công trình, vì kích thước tàu đã tăng lên rất nhiều trong nhiều thập kỷ kể từ khi cầu Key Bridge được xây dựng vào năm 1977.
Một cuộc điều tra sẽ được cơ quan chức năng Mỹ tiến hành cả ở Singapore và Mỹ để xác định trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, đây sẽ là một quy trình phức tạp, dự kiến có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Chuẩn đô đốc Cảnh sát biển Shannon Gilreath của Mỹ cho biết không có hy vọng tìm thấy những công nhân mất tích trong vụ sập cầu ở cảng Baltimore, bang Maryland của Mỹ. Nguyên nhân là do thời tiết lạnh giá cản trở công tác cứu hộ và thời gian đã trôi qua quá lâu kể từ vụ tai nạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!