Tranh cãi về nguồn gốc dịch COVID-19 giữa Mỹ - Trung Quốc "nóng" trở lại

Chuyển động 24/VOV-Thứ năm, ngày 27/05/2021 18:41 GMT+7

Nhân viên an ninh giải tán phóng viên khỏi Viện Virus học Vũ Hán sau khi nhóm điều tra WHO tới thăm thực địa ngày 3/2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Những câu hỏi về các bước đi tiếp theo trong cuộc truy tìm nguồn gốc đại dịch COVID-19 sẽ phủ bóng lên cuộc họp thường niên của WHO trong tuần này.

Tranh cãi về vấn đề nguồn gốc dịch COVID-19 lại một lần nữa "nóng" lên sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công khai hơn trong việc xem xét các khả năng gây ra đại dịch. Ngày 26/5, Tổng thống Biden cho biết, ông đã yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ trong vòng 3 tháng phải báo cáo với ông về việc dịch bệnh COVID-19 có nguồn gốc từ động vật hay là sự cố phòng thí nghiệm. 

Đáp lại trong một tuyên bố mới nhất, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã bác bỏ sự cần thiết của việc tiến hành một cuộc điều tra mới về nguồn gốc đại dịch, đồng thời chỉ trích Mỹ đang cố tình thao túng chính trị và đổ lỗi cho Trung Quốc để đánh lạc hướng dư luận về những thất bại của Mỹ trong việc ngăn chặn đại dịch.

Cuộc họp trong tuần này của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là cuộc họp đầu tiên kể từ kết luận gây tranh cãi hồi đầu năm 2021 của cuộc điều tra do WHO dẫn đầu nhằm tìm hiểu, virus SARS-CoV-2 đã bắt đầu lây lan như thế nào ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc khi các ca mắc đầu tiên được phát hiện vào cuối năm 2019.

Một số quốc gia vào thời điểm đó, bao gồm Mỹ, Anh và Nhật Bản, cho rằng, những phát hiện của WHO sau cuộc điều tra trên không hoàn toàn thuyết phục khi thiếu sự minh bạch và sự độc lập khỏi Chính phủ Trung Quốc. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhắc đến những lỗ hổng trong việc tiếp cận dữ liệu của các nhà khoa học quốc tế trên thực địa, mặc dù Trung Quốc kiên quyết bảo vệ sự minh bạch của mình.

Tranh cãi về nguồn gốc dịch COVID-19 giữa Mỹ - Trung Quốc nóng trở lại - Ảnh 1.

Nhóm chuyên gia từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tới Vũ Hán từ ngày 14/1. (Ảnh: Reuters)

Hiện nay, một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Anh và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang kêu gọi khởi động giai đoạn nghiên cứu tiếp theo nhằm tìm hiểu virus SARS-CoV-2 đã bắt đầu lây lan sang con người như thế nào.

Đại diện Mỹ tại WHO Jeremy Konyndyk cho biết tại Đại hội đồng Y tế Thế giới hôm 25/5, mục đích của cuộc điều tra "không phải để đổ lỗi": "Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc điều tra thẳng thắn, toàn diện và do các chuyên gia dẫn đầu nhằm đảm bảo chúng ta sẽ được chuẩn bị để làm giảm tác động cũng như phản ứng hiệu quả trước các đợt bùng phát tiếp theo và ngăn cản các đại dịch trong tương lai".

Trung Quốc cũng nói rằng, nước này ủng hộ các nghiên cứu nhưng nhấn mạnh, "phần của Trung Quốc" trong công việc này đã hoàn thành và đã đến lúc các quốc gia khác hợp tác trong các nghiên cứu toàn cầu về nguồn gốc đại dịch COVID-19.

Việc tìm ra một hướng đi hợp pháp và được chấp nhận rộng rãi sẽ là một thách thức đáng kể với WHO, các chuyên gia cho hay.

Một trở ngại lớn được đặt ra hiện nay là giả thuyết virus SARS-CoV-2 lọt ra ngoài từ một phòng thí nghiệm nghiên cứu về virus trên dơi ở Vũ Hán (Trung Quốc). Giả thuyết này đã được đội ngũ nghiên cứu của WHO và các chuyên gia Trung Quốc đánh giá là "hoàn toàn không có khả năng" sau cuộc điều tra kéo dài 1 tháng vào đầu năm 2021.

Họ cũng đưa ra 3 giả thuyết khác, trong đó có đề cập việc virus có thể đã lây trực tiếp từ dơi sang con người, hoặc có thể lây qua một loài động vật trung gian hay một loại thực phẩm nào đó. Tuy nhiên, việc điều tra về giả thuyết virus lọt ra từ phòng thí nghiệm đang nhận được sự ủng hộ từ các nhà khoa học uy tín và các nghị sĩ Mỹ trong những tuần gần đây.

Không có quốc gia nào tại Đại hội đồng Y tế Thế giới hôm 25/5 đề cập trực tiếp đến Trung Quốc hay giả thuyết virus lọt ra từ phòng thí nghiệm, mặc dù Bồ Đào Nha kêu gọi một cuộc điều tra nhắm vào tất cả 4 giả thuyết mà đội ngũ của WHO đặt ra. Các chuyên gia cho rằng, việc tăng cường các cuộc thảo luận về chủ đề này ở Mỹ có thể khiến nhiều quốc gia tham gia vào những nhiệm vụ trong tương lai điều tra nguồn gốc dịch bệnh dù đây vẫn là một "lằn ranh đỏ" với Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 26/5 đã chỉ trích những lời kêu gọi điều tra về giả thuyết phòng thí nghiệm và cho rằng, giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra nên chuyển hướng sang Mỹ, nhưng không giải thích nguyên nhân tại sao.

WHO để ngỏ mọi giả thuyết về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 WHO để ngỏ mọi giả thuyết về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2

VTV.vn - Ngày 12/2, Tổng Giám đốc WHO nói, mọi giả thuyết đều vẫn để ngỏ trong cuộc điều tra của cơ quan này về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước