Trí tuệ nhân tạo và các tác động tới bầu cử

VTV Digital-Thứ năm, ngày 06/06/2024 21:21 GMT+7

VTV.vn - 2024 là năm của các cuộc bầu cử thế giới. Một yếu tố quan trọng tác động mạnh mẽ tới các cuộc bầu cử năm nay và có thể cả những năm sau chính là trí tuệ nhân tạo.

Deepfake tràn lan tại các cuộc bầu cử

Năm 2024 là năm của các cuộc bầu cử thế giới với các cuộc bầu cử như: bầu cử Ấn Độ (cuộc bầu cử lớn nhất thế giới vừa kết thúc ngày 4/6 vừa qua), trước đó là bầu cử Tổng thống Nga và sắp tới đây là bầu cử Nghị viện châu Âu… Đến tháng 11 sẽ là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được cả thế giới quan tâm. Trong bối cảnh AI phát triển như vũ bão hiện nay, các cuộc bầu cử cũng không nằm ngoài tầm tác động của nó.

Ông Paul Scharre (Chuyên gia công nghệ, Trung tâm An ninh thế hệ mới tại Mỹ) cho biết: "Video deepfake liên quan đến chính trị phổ biến hơn cả khi người ta tạo ra các video giả mạo để cố gắng gây ảnh hưởng đến một chiến dịch hay chính trị gia nào đó".

Deepfake là công nghệ sử dụng AI để tạo ra hình ảnh, âm thanh và video giả mạo. Dưới bàn tay của những người sử dụng có ý đồ, deepfake đang lan tràn khắp các buộc bầu cử trên thế giới, khiến các sự kiện này chao đảo không ít.

Trong bối cảnh nhiều bầu cử lớn đang diễn ra, những video deepfake nhắm tới việc lôi kéo hoặc tác động các cử tri cũng xuất hiện ngày càng nhiều.

Công nghệ deepfake có thể dùng trí tuệ nhân tạo AI, thu thập dữ liệu từ gương mặt và giọng nói của một người để tạo ra hình ảnh, video hay đoạn ghi âm chân thực tới mức khó có thể phân biệt bằng mắt thường.

Trí tuệ nhân tạo và các tác động tới bầu cử - Ảnh 1.

Deepfake tràn lan tại các cuộc bầu cử (Ảnh: Getty Images)

Một trong những ví dụ gần nhất về sự lạm dụng công nghệ này là cuộc gọi tự động được cho là từ đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden tới hàng nghìn cử tri ở bang New Hampshire. Trong đó, giọng nói giả mạo ông Biden cố gắng thuyết phục cử tri không nên bỏ phiếu sớm.

Ông Paul Scharre cho biết: "Các chuyên gia an ninh mạng có thể chỉ ra sự khác biệt, tính thật - giả của những nội dung này nhưng người bình thường có thể dễ dàng bị đánh lừa rằng video này là thật, đặc biệt là trong thời đại thông tin đa dạng như bây giờ. Video deepfake liên quan đến chính trị sẽ phổ biến hơn khi người ta tạo ra các video giả mạo để cố gắng gây ảnh hưởng đến một chiến dịch hay chính trị gia nào đó".

Theo báo cáo của các công ty dữ liệu, số lượng các video deepfake trên toàn thế giới đã tăng gấp 10 lần từ năm 2022 đến năm 2023. Khi được phát hành trên mạng xã hội như TikTok, Facebook, YouTube hoặc X, các tác phẩm deepfake bằng AI có thể tiếp cận hàng triệu người, trước cả khi các công ty công nghệ, chính phủ hoặc truyền thông biết đến sự tồn tại của chúng.

Chị Puja Restuti (người dân Indonesia) cho rằng: "Rất nhiều người có trình độ hiểu biết về kỹ thuật số ở mức không cao và có xu hướng dễ tin vào những thông tin sai lệch mà không kiểm chứng sự thật sau đó. Tôi nghĩ điều này khá nguy hiểm vì nó có thể thúc đẩy tốc độ phủ sóng của thông tin sai lệch và ảnh hưởng đến lựa chọn của người dân trong các cuộc bầu cử".

AI ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử 2024 như thế nào?

Từ thực tiễn trong quá khứ lẫn hiện tại cho thấy AI đã cho thế giới thấy tác động to lớn đến các cuộc bầu cử.

Năm 2023, trong cuộc bầu cử tại Slovakia, chỉ vài ngày trước bầu cử, một đoạn ghi âm đã lan truyền trên mạng trong đó có vẻ như lãnh đạo đảng Cấp tiến Slovakia - Michal Šimečka - đang thảo luận với một nhà báo về kế hoạch thao túng phiếu bầu tại các điểm bỏ phiếu. Không có gì khẳng định đoạn âm thanh deepfake này tác động thế nào đến kết quả cuộc bầu cử trong đó đảng của ông này đã thất bại nhưng sự thật là nó đã lan tràn khắp các nền tảng mạng xã hội trước khi bị xóa.

Hay như bài học từ Chicago vào năm 2023 - một trải nghiệm cay đắng của Paul Vallas, cựu ứng cử viên Thị trưởng Chicago. Ông cũng là đối tượng của một đoạn ghi âm deepfake trong đó nói về cảnh sát. Từ người giành chiến thắng trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, cuối cùng ông đã thua trước một ứng cử viên khác.

Chuyên gia Nicolas Muller cho rằng: "Công nghệ AI đã phát triển vượt bậc so với chỉ một vài năm trước. Giờ đây chỉ với những thao tác bằng đầu ngón tay, một đoạn video hay âm thanh giả mạo nào đó có thể ra đời và làm xoay chuyển cục diện của một vấn đề nào đó. Điều này đặc biệt đáng lo ngại trong lĩnh vực chính trị vì có thể khi sự việc được đính chính thì kết quả đã không thể thay đổi được nữa".

Trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến, những công nghệ AI như deepfake có thể gây chao đảo các cuộc bầu cử chính bởi đặc tính dễ lan truyền. Các chuyên gia nhận định gần như không thể ngăn chặn sự lan truyền của một video deepfake xuất hiện trên mạng xã hội. Trong khi các nền tảng cần một thời gian nhất định để xác minh tính chân thực thì những hình ảnh, âm thanh đó đã kịp tiếp cận với vô số người.

Mỹ ứng phó với nguy cơ AI tác động tiêu cực tới bầu cử

Để hạn chế những tác động tiêu cực của AI tới bầu cử, cần có các giải pháp từ khâu phòng ngừa cho đến ứng phó lúc sự cố xảy ra. Đơn cử như Mỹ đã triển khai hàng loạt biện pháp để đối phó với nguy cơ AI tác động tiêu cực đến cuộc bầu cử. Hiện tại, luật pháp cấm các chiến dịch sử dụng AI để mạo danh hoặc lừa đảo các ứng viên. Đồng thời, nhiều dự luật liên bang về deepfake trong bầu cử đang được xem xét.

Nhiều bang đã đi trước với các quy định cụ thể về deepfake. Minnesota coi việc phát tán deepfake nhằm gây hại cho ứng viên trong vòng 90 ngày trước bầu cử là hành vi phạm tội. Michigan yêu cầu các chiến dịch phải công bố rõ ràng nội dung truyền thông đã chỉnh sửa bằng AI.

Trí tuệ nhân tạo và các tác động tới bầu cử - Ảnh 2.

Mỹ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ứng phó với nguy cơ AI tác động tiêu cực tới bầu cử (Ảnh: Getty Images)

Mỹ cũng đang hợp tác chặt chẽ với các ông lớn công nghệ như Facebook, Twitter và Google để phát triển công cụ nhận diện deepfake và kiểm duyệt thông tin sai lệch. Những công ty này được yêu cầu tăng cường kiểm duyệt và xác minh nội dung trên nền tảng của họ.

Bên cạnh đó, một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ của deepfake và cách nhận diện chúng đang được triển khai. Chương trình này bao gồm các tài liệu hướng dẫn và giáo dục cử tri nhằm giúp họ phân biệt thông tin thật giả.

Những nỗ lực này không chỉ nhằm bảo vệ tính minh bạch và công bằng trong bầu cử mà còn để chống lại những tác động tiêu cực từ AI, đảm bảo quá trình dân chủ diễn ra suôn sẻ.

Dùng AI để vận động bầu cử ở Mỹ

Ở Mỹ, một công ty đã cho ra đời nhân vật ảo mang tên Jennifer có thể thực hiện hàng nghìn cuộc gọi vận động cử tri mà không hao tốn sức người. Nhờ thế, Jennifer có thể cung cấp các thông tin về ứng cử viên, trò chuyện, trả lời những câu hỏi nhận được từ cử tri và khuyến khích việc đi bỏ phiếu. Người đồng sáng lập công ty này nhận định: "Trong tương lai, không phải những chiến dịch tranh cử được tài trợ nhiều nhất sẽ chắc chắn có lợi thế mà là những chiến dịch áp dụng công nghệ mạnh nhất".

Mặc dù khi được sử dụng với mục đích tốt, AI sẽ rất hữu ích nhưng khi bị tận dụng với ý đồ xấu, AI có thể tạo ra những thông tin sai lệch, khiến các cuộc bầu cử bị tác động tiêu cực, đặc biệt trong bối cảnh thông tin dễ dàng lan truyền như ngày nay. Từ giờ đến cuối năm sẽ còn nhiều cuộc bầu cử trên thế giới sẽ diễn ra. Đây cũng là thách thức với các nước và các chuyên gia công nghệ sẽ còn rất nhiều việc phải làm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước