Triều Tiên nới lỏng hạn chế, Thượng Hải dỡ bỏ biện pháp phòng dịch

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ hai, ngày 30/05/2022 06:30 GMT+7

Hơn 531,54 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 29/5, thế giới có trên 531,54 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,31 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19, Mỹ hiện ghi nhận trên 85,71 triệu ca mắc và hơn 1,031 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 4.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Một nghiên cứu mới đây tại Mỹ cho thấy, hội chứng COVID kéo dài có thể xảy ra ngay cả ở những trường hợp lây nhiễm đột phá, tức là những trường hợp vẫn mắc COVID-19 dù đã tiêm chủng đầy đủ, trong đó người càng cao tuổi càng có nguy cơ đối mặt với những ảnh hưởng lâu dài.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Medicine, khoảng 30% số người mắc COVID-19 đột phá có các biểu hiện của COVID kéo dài. Nghiên cứu đã xem xét hồ sơ y tế của 13 triệu cựu chiến binh ở Mỹ, đa số là người da trắng với độ tuổi trung bình 60, trong đó gần 3 triệu người đã tiêm phòng COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 1 - 10/2021. Khoảng 1%, tương đương 34.000 người, đã mắc COVID-19 đột phá.

Một nghiên cứu khác của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy, khoảng 20% số người trên 18 tuổi ở nước này có vấn đề về sức khỏe có thể liên quan đến việc đã mắc COVID-19 trước đây. Theo CDC, hội chứng COVID kéo dài có các triệu chứng dai dẳng hoặc rối loạn chức năng, bao gồm những triệu chứng tim mạch, phổi, huyết học, thận, nội tiết, tiêu hóa, cơ xương khớp, thần kinh và tâm thần.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 29/5, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,15 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 666.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,97 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Triều Tiên nới lỏng hạn chế, Thượng Hải dỡ bỏ biện pháp phòng dịch - Ảnh 1.

Thái Lan điều chỉnh cách thống kê số ca mắc COVID-19 theo ngày. (Ảnh: AP)

Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan ngày 29/5 quyết định ngừng ghi nhận các ca có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 vào thống kê số ca mắc COVID-19 theo ngày. Thay vào đó, dự kiến từ đầu tháng 6 tới, cơ quan trên sẽ chỉ báo cáo các ca phải nhập viện điều trị.

Sở dĩ Thái Lan điều chỉnh cách thống kê số ca mắc COVID-19 vì giới chức y tế nước này cho rằng, phần lớn các ca xét nghiệm nhanh dương tính đều có triệu chứng nhẹ, rất ít triệu chứng hoặc không triệu chứng. Việc thay đổi cách ghi nhận số ca sẽ không ảnh hưởng đến công tác theo dõi dịch.

Thái Lan đang nới lỏng các biện pháp chống dịch. Nước này mới đây đã đề xuất bỏ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại một số khu vực và điều chỉnh các quy định vào giữa tháng 6 tới.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 29/5 đưa tin, số ca nghi nhiễm COVID-19 tại nước này duy trì ở mức dưới 100.000 trường hợp trong ngày thứ hai liên tiếp và không có thông tin về số ca tử vong mới. Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, đã có thêm hơn 89.500 người ghi nhận các triệu chứng sốt trong vòng 24 giờ qua.

Tổng số ca sốt được ghi nhận tại Triều Tiên từ cuối tháng 4 đã lên gần 3,5 triệu trường hợp, trong đó gần 3,3 triệu người đã bình phục và hơn 186.000 bệnh nhân đang được điều trị. Triều Tiên cho biết, nước này có thể giảm bớt hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 khi tình hình đại dịch ở đây có dấu hiệu cải thiện và việc lây nhiễm dịch bệnh đang được kiểm soát. Tin của KCNA đề cập khả năng Triều Tiên có thể nới lỏng hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 để ngăn chặn tình trạng nền kinh tế trở nên ngày càng xấu đi, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng tình hình dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát.

Ngày 29/5, hãng thông tấn Kyodo dẫn một nguồn tin cho biết, Triều Tiên đã dỡ bỏ các hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch COVID-19 tại thủ đô Bình Nhưỡng, vài tuần sau khi nước này phát hiện trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên.

Ngày 29/5, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cho biết, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận hơn 12.600 ca nhiễm mới. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Hàn Quốc có số ca nhiễm mới theo ngày dưới 20.000 ca và là mức thấp nhất trong các ngày Chủ nhật trong hơn 4 tháng qua.

Trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu cải thiện, Hàn Quốc đã chuyển hướng từ truy vết nghiêm ngặt và điều trị sang tập trung vào những ca mắc COVID-19 nghiêm trọng và ngăn ngừa các ca tử vong. Kể từ tháng 6, nước này sẽ triển khai các biện pháp nhằm đẩy nhanh công tác điều trị cho nhóm những người dễ bị tổn thương, bao gồm những người từ 60 tuổi trở lên, nhân viên các nhà dưỡng lão và người có hệ miễn dịch yếu.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng triển khai các bước nhằm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường, nới lỏng quy định đi lại. Vào thời điểm đỉnh dịch giữa giữa tháng 3 vừa qua, Hàn Quốc từng ghi nhận hơn 600.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Triều Tiên nới lỏng hạn chế, Thượng Hải dỡ bỏ biện pháp phòng dịch - Ảnh 2.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc đã giảm mạnh. (Ảnh: AP)

Với số ca mắc mới COVID-19 giảm trong 6 ngày liên tiếp, chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc quyết định dỡ bỏ một số biện pháp kiểm soát dịch bắt đầu từ ngày 29/5. Các trung tâm mua sắm, thư viện, bảo tàng, nhà hát và phòng tập thể dục sẽ được phép mở cửa trở lại, nhưng số lượng người bị giới hạn tại 8 trong số 16 quận của Bắc Kinh không có ca mắc cộng đồng trong 7 ngày liên tiếp.

Hai trong số các quận sẽ chấm dứt quy tắc làm việc tại nhà, trong khi phương tiện giao thông công cộng phần lớn sẽ hoạt động trở lại ở 3 quận, trong đó có Triều Dương, quận lớn nhất của thành phố. Tuy nhiên, việc ăn uống tại nhà hàng vẫn bị cấm trên toàn thành phố. Chính quyền cũng tạm hoãn kế hoạch cho các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở học trực tiếp trở lại.

Trong khi đó, chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) thông báo kể, từ ngày 1/6 sẽ hủy bỏ nhiều biện pháp hạn chế đối với doanh nghiệp nhằm nối lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, đồng thời áp dụng các chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Động thái này nhằm chấm dứt các biện pháp phong tỏa toàn thành phố vốn được thực hiện từ 2 tháng trước do đại dịch COVID-19. Chính quyền thành phố cho biết sẽ hủy bỏ "các biện pháp hạn chế không hợp lý" và sẽ dỡ bỏ chính sách "danh sách trắng" - danh sách các doanh nghiệp được phép hoạt động. Các biện pháp thúc đẩy kinh tế bao gồm phát hành và sử dụng trái phiếu chính phủ, yêu cầu các ngân hàng cung cấp các khoản vay mới cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc)cho biết vẫn tiếp tục phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong các mẫu nước thải ở nhiều khu vực, cho thấy nguy cơ vẫn còn ca nhiễm trong cộng đồng.

Khoảng 140.000 bộ xét nghiệm kháng nguyên sẽ được phân phối cho người dân, nhân viên vệ sinh và nhân viên quản lý các tòa nhà tại các khu vực có kết quả xét nghiệm mẫu nước thải cho thấy có lượng virus tương đối cao, nhằm phát hiện các ca nhiễm. Chính quyền kêu gọi những người có kết quả xét nghiệm dương tính nhanh chóng thông báo với cơ quan chức năng thông qua các nền tảng trực tuyến.

Nhằm phòng ngừa dịch COVID-19, cơ quan bảo vệ môi trường và dịch vụ thoát nước của Hong Kong đã thu thập mẫu nước thải của tất cả các khu vực để làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Ngày 29/5, Hong Kong ghi nhận 116 ca mắc COVID-19 thông qua xét nghiệm acid nucleic và 154 trường hợp mắc được xác nhận qua xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

COVID-19 có thể liên quan đến bệnh gan bí ẩn ở trẻ COVID-19 có thể liên quan đến bệnh gan bí ẩn ở trẻ Bắc Kinh nới lỏng hạn chế COVID-19 ở một số khu vực từ 29/5 Bắc Kinh nới lỏng hạn chế COVID-19 ở một số khu vực từ 29/5 Dịch COVID-19 ở Triều Tiên: Làn sóng ca sốt đang giảm đi, số người tử vong thấp Dịch COVID-19 ở Triều Tiên: Làn sóng ca sốt đang giảm đi, số người tử vong thấp

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước