Theo KCNA, vụ phóng nhằm mục đích kiểm tra độ tin cậy của động cơ nhiên liệu rắn nhiều tầng, lực đẩy cao mới và đầu đạn điều khiển cơ động siêu thanh tầm trung. KCNA khẳng định, vụ phóng thử tên lửa không ảnh hưởng đến an ninh của các nước láng giềng và “không liên quan gì đến tình hình trong khu vực”.
Tuy nhiên, ngay sau vụ phóng tên lửa, hôm 14/1, các đặc phái viên hạt nhân của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích Triều Tiên, cho rằng đây là hành động khiêu khích và là nguyên nhân sâu xa gây bất ổn trong khu vực.
Vụ phóng của Triều Tiên diễn ra cùng ngày Ngoại trưởng nước này Choe Son Hui rời Bình Nhưỡng lên đường thăm Nga.
Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên trong năm 2024. Vụ phóng tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên là tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn Hwasong-18 vào ngày 18/12/2023.
Màn hình ti vi chiếu hình ảnh vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong một chương trình thời sự tại Ga Seoul ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 14/1. (Ảnh: AP)
Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn được cho là khó bị phát hiện trước khi phóng hơn so với tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng, vốn cần nhiều sự chuẩn bị hơn.
Vụ phóng tên lửa mới nhất diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau khi Triều Tiên bắn đạn pháo gần biên giới trên biển với Hàn Quốc từ ngày 5/1 đến ngày 7/1.
Tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố, ông không có ý định né tránh xung đột với Hàn Quốc, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả Hàn Quốc nếu nước này tìm cách sử dụng vũ lực chống lại Triều Tiên.
Các đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã lên án vụ phóng mới nhất hôm 14/1. Vụ phóng diễn ra trong bối cảnh khu vực ranh giới trên biển giữa hai miền Triều Tiên liên tục xảy ra các vụ bắn đạn pháo từ cả Triều Tiên và Hàn Quốc trong khuôn khổ các cuộc tập trận bắn đạn thật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!