Trung Quốc có thêm ca mắc mới, nhiều nước đối mặt làn sóng COVID-19 do biến thể phụ

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ hai, ngày 11/07/2022 06:43 GMT+7

Hơn triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 11/7, thế giới có trên 560,53 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,37 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 90,32 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có khoảng hơn 1,045 triệu trường hợp tử vong do bệnh này. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 7.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 10/7, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,62 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 525.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 673.500 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 32,87 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Bà Natalya Pshenichnaya, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ Trung ương thuộc Cơ quan giám sát quyền lợi người tiêu dùng Nga Rospotrebnadzor nhận định, nếu chỉ xét về triệu chứng, hiện không thể phân biệt được giữa việc mắc COVID-19 với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp do virus khác, nhưng COVID-19 có thể làm trầm trọng thêm các loại bệnh khác nhau.

Phát biểu với hãng tin Sputniknews, bà Pshenichnaya nêu rõ: "Bệnh COVID-19 vẫn âm ỉ, khiến bệnh trầm trọng thêm hoặc biểu hiện của các bệnh tự miễn khác nhau, như các bệnh về da, phổi, hệ cơ xương, hệ tim mạch, với sự tiến triển của các biến chứng huyết khối tắc mạch khác nhau".

Theo chuyên gia này, nếu có các triệu chứng COVID-19 kéo dài, bệnh nhân nên được chăm sóc y tế chuyên nghiệp, vì đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh mãn tính tồi tệ hơn mà người bệnh có thể không nhận biết được.

Ngày 10/7, Chính phủ Australia thông báo mở rộng diện đối tượng được sử dụng các loại thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19 theo cơ chế được chính phủ hỗ trợ từ ngày 11/7. Bộ trưởng Bộ Y tế Australia Mark Butler xác nhận, người dân trên 70 tuổi ở nước này nếu mắc COVID-19 sẽ có thể được cung cấp thuốc kháng virus theo Cơ chế phúc lợi dược phẩm do chính phủ tài trợ. Ngoài ra, những bệnh nhân COVID-19 trên 50 tuổi và thổ dân Australia trên 30 tuổi nếu có thêm từ 2 yếu tố nguy cơ bệnh nặng trở lên cũng đều được tham gia cơ chế.

Trung Quốc có thêm ca mắc mới, nhiều nước đối mặt làn sóng COVID-19 do biến thể phụ - Ảnh 1.

Australia sẽ mở rộng diện đối tượng được sử dụng các loại thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19 theo cơ chế được chính phủ hỗ trợ. (Ảnh: Getty)

Biện pháp trên được công bố trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng tại Australia trong những tháng mùa đông khi nguy cơ lây lan COVID-19 và bệnh cúm trong cộng đồng ở mức cao làm gia tăng áp lực với hệ thống y tế quốc gia. Bộ trưởng Butler cho biết, số ca mắc và nhập viện vì COVID-19 ở Australia đang tăng cao, đặc biệt với sự xuất hiện của những biến thể mới. Các loại thuốc uống kháng virus giúp giảm đáng kể nguy cơ bệnh nặng, đặc biệt là ở người cao tuổi, và giúp giảm nguy cơ nhập viện. Các loại thuốc kháng virus, dưới dạng viên cứng hoặc viên nang, sẽ phát huy hiệu quả ngăn bệnh trở nặng khi được dùng từ giai đoạn đầu khi mới được xác nhận mắc bệnh.

Cũng từ ngày 11/7, người dân Australia từ 30 tuổi trở lên sẽ được tiêm mũi 4 vaccine phòng COVID-19. Thủ tướng Australia Anthony Albanese kêu gọi người dân đi tiêm phòng để giảm tác động của dịch bệnh, nhất là khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt. Ngày 10/7, Australia thông báo ghi nhận 31.406 ca mắc mới và 13 trường hợp tử vong vì COVID-19.

Bộ Y tế Colombia xác nhận, quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ 5 trong bối cảnh số ca bệnh mới tăng mạnh suốt những tuần vừa qua. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Bộ Y tế Fernando Ruiz cho biết, làn sóng dịch bệnh mới đang có dấu hiệu lây lan mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là tại các khu vực đô thị. Tình hình dịch bệnh đáng lo ngại nhất đang diễn ra tại các tỉnh thành như Bogotá, Valle del Cauca, Cundinamarca, Antioquia và Barranquilla.

Đến nay, Colombia ghi nhân trên 6,19 triệu ca mắc COVID-19, bao gồm 140.202 người thiệt mạng.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cho biết, hành khách chỉ được nhập cảnh vào Iran nếu trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và tuân thủ đầy đủ các quy định y tế của nước sở tại. Quy định mới được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gần đây gia tăng tại Iran. Phát biểu tại cuộc họp của lực lượng chống dịch quốc gia, Tổng thống Raisi kêu gọi tuân thủ nghiêm các quy định và chỉ dẫn y tế tại tất cả cửa khẩu hàng không, trên biển, trên bộ. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiêm mũi vaccine tăng cường, đồng thời nhắc nhở người đang có bệnh nền cần đặc biệt cẩn trọng.

Chuyên gia Iran cảnh báo, hai biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh của Omicron sẽ chiếm phần lớn trong số các ca nhiễm mới tại nước này trong những tuần tới. Tổng số ca mắc tại nước này kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 2/2020 hiện là trên 7,24 triệu, trong đó có 141.429 trường hợp không qua khỏi.

Ngày 10/7, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo, Trung Quốc đại lục ghi nhận 344 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 9/7, gồm 65 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 279 ca bệnh không triệu chứng. Theo NHC, trong số các ca lây nhiễm cộng đồng, có 17 ca tại tỉnh Quảng Đông và 11 ca tại tỉnh An Huy. Trong khi đó, các ca bệnh mới không triệu chứng được ghi nhận tại 14 tỉnh thành. Con số ca lây nhiễm trong cộng đồng vào ngày 10/7 là 101.

Hiện tổng số người mắc COVID-19 tại Trung Quốc là 226.610 ca. Trong khi đó, số bệnh nhân tử vong vì COVID-19 vẫn ở mức không đổi là 5.226 trường hợp.

Theo số liệu chính thức được công bố vào ngày 9/7, tổng cộng 166.333 người tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã tiêm mũi thứ tư vaccine ngừa COVID-19. Kể từ khi chính quyền Hong Kong bắt đầu triển khai tiêm phòng vaccine COVID-19 đến ngày 9/7, đã có 92,7% người đủ điều kiện tại đặc khu này được tiêm ít nhất một mũi. Hơn 6,47 triệu người, tương đương 88,9% dân số đủ điều kiện, đã tiêm 2 mũi. Tỷ lệ đối với nhóm đã tiêm mũi thứ ba (mũi tăng cường) là 65,1%.

Trung Quốc có thêm ca mắc mới, nhiều nước đối mặt làn sóng COVID-19 do biến thể phụ - Ảnh 2.

166.333 người tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã tiêm mũi thứ tư vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: AP)

Người phát ngôn Trung tâm Bảo vệ sức khỏe (CHP) nhấn mạnh rằng tình hình dịch COVID-19 tại Hong Kong vẫn nghiêm trọng, do đó người dân cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế ra ngoài và tránh tụ tập đông người hoặc tham gia những hoạt động không cấp thiết.

Trong diễn biến cùng ngày, Trưởng đặc khu hành chính Macau (Trung Quốc), ông Hạ Nhất Thành đã ra chỉ thị yêu cầu các công ty công nghiệp và doanh nghiệp thương mại tại đặc khu này ngừng hoạt động trong vòng 1 tuần bắt đầu từ ngày 11/7 nhằm ngăn chặn lây lan dịch COVID-19. Theo chỉ thị, các doanh nghiệp xã hội hoặc các cơ sở kinh doanh những mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn tiếp tục được phép hoạt động.

Chính quyền Macau đã yêu cầu đóng cửa toàn bộ cơ sở kinh doanh, sòng bạc do số ca mắc COVID-19 tăng cao liên tiếp. Đồng thời, 2 khách sạn Grand Hyatt và Sheraton và một số khu nghỉ dưỡng nổi tiếng được sử dụng để làm cơ sở cách ly phòng dịch. Mục đích là cung cấp khoảng 800 phòng cách ly y tế và phục vụ hơn 15.000 người đang trong diện cách ly phòng bệnh.

Trung tâm Điều phối và Ứng phó dịch COVID-19 của Macau cho biết, tính đến ngày 8/7, đặc khu này ghi nhận 71 ca mắc mới, trong đó có 24 người lây nhiễm cộng đồng và 47 trường hợp không triệu chứng.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, số ca sốt mới tại nước này vẫn ở mức dưới 2.000 trường hợp trong ngày thứ tư liên tiếp. Theo KCNA, hơn 1.590 người tại Triều Tiên đã có triệu chứng sốt trong 24 giờ tính đến 18h chiều 9/7. Số người có triệu chứng sốt theo ngày ở nước này đang có xu hướng giảm sau khi đạt đỉnh hơn 392.920 người hôm 15/5. Tổng số ca sốt kể từ cuối tháng 4 đến nay đã vượt trên 4,76 triệu trường hợp và ít nhất 2.910 người đang được điều trị. Trong khi đó, số ca tử vong không thay đổi khi vẫn ở mức 74 người.

Chính phủ Hàn Quốc xác nhận, quốc gia Đông Bắc Á này đang trải qua một đợt tái phát dịch COVID-19 mới. Phát biểu tại cuộc họp ứng phó với đại dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Lee Ki-il thông báo, từ tuần này, Hàn Quốc sẽ áp dụng các biện pháp chống dịch để ngăn chặn sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19. Ông cho biết, hiện Chính phủ nước này đang tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế để có các biện pháp chống dịch phù hợp.

Thứ trưởng Lee Ki-il dẫn lời các chuyên gia cho biết, làn sóng COVID-19 mới xuất hiện ở Hàn Quốc phần lớn là do biến thể phụ BA.5 của Omicron. Nguyên nhân gia tăng số ca nhiễm những ngày gần đây là do gia tăng di chuyển của người dân trong mùa hè và khả năng miễn dịch của vaccine suy giảm.

Biến thể BA.5 của Omicron đang lan truyền nhanh chóng tại Hàn Quốc cũng như một số quốc gia châu Âu như Đức, Pháp và Anh. Số ca nhiễm COVID-19 mới do biến thể BA.5 ban đầu vẫn ở mức thấp 1,4% trong tuần thứ hai của tháng 6 nhưng đã tăng mạnh lên 28,2% trong tuần cuối của tháng.

Số liệu thống kê ngày 10/7 của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, nước này ghi nhận thêm 20.410 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên hơn 18,51 triệu người.

Thượng Hải đối mặt với nguy cơ COVID-19 tiếp tục lây lan trong cộng đồng “tương đối cao” Thượng Hải đối mặt với nguy cơ COVID-19 tiếp tục lây lan trong cộng đồng “tương đối cao” Mỹ vượt mốc 90 triệu ca mắc COVID-19, hơn 110 nước tăng đột biến số người nhiễm do dòng phụ BA.4 và BA.5 Mỹ vượt mốc 90 triệu ca mắc COVID-19, hơn 110 nước tăng đột biến số người nhiễm do dòng phụ BA.4 và BA.5 Hàn Quốc ghi nhận hơn 19 nghìn ca mắc mới COVID-19 Hàn Quốc ghi nhận hơn 19 nghìn ca mắc mới COVID-19

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước