Sách Trắng khẳng định "hòa bình và ổn định ở Bắc Cực là sự đảm bảo quan trọng cho tất cả các hoạt động tại khu vực này, đồng thời phục vụ lợi ích cơ bản của tất cả các quốc gia, trong đó có Trung Quốc".
Bắc Kinh ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp về quyền trên biển và đất liền, cũng như lợi ích của tất cả các bên phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và luật pháp quốc tế nói chung, đồng thời ủng hộ những nỗ lực đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực.
Theo Sách Trắng, Trung Quốc cam kết tăng cường hợp tác với các nước ở Bắc Cực trong hoạt động tìm kiếm - giải cứu trên biển và trên không, cảnh báo sớm trên biển, phản ứng khẩn cấp, chia sẻ thông tin nhằm giải quyết thỏa đáng các thách thức an ninh như tai nạn trên biển, ô nhiễm môi trường và tội phạm trên biển.
Bắc Kinh cũng kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng cơ sở hạ tầng và điều hành các tuyến đường biển qua Bắc Cực.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cam kết bảo vệ đa dạng sinh học tại Bắc Cực, thúc đẩy thăm dò và khai thác hợp lý và minh bạch nguồn tài nguyên Bắc Cực, cũng như chia sẻ nguồn lợi từ hoạt động khai thác các tài nguyên này.
Trung Quốc sẽ thúc đẩy các mô hình du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm với mong muốn phát triển bền vững ngành du lịch Bắc Cực.
Bắc Cực có diện tích đất liền vào khoảng 8 triệu km2, với các nước có tuyên bố chủ quyền tại các khu vực khác nhau là Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ. Trong khi đó, biển Bắc Cực có diện tích hơn 12 triệu km2, được phân chia quyền hàng hải cho nhiều quốc gia theo đúng quy định của luật pháp quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!