Tới Bắc Kinh lần này, phía Mỹ đã chuẩn bị một đội ngũ mạnh mẽ, đông đảo nhất trong các cuộc đàm phán thương mại. Bên cạnh đại diện thương mại Lighthizer, còn có sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross và Cố vấn kinh tế Larry Kudlow, nhằm tạo áp lực mạnh mẽ hơn nữa với Trung Quốc. Để làm đối trọng, nước chủ nhà cũng đưa ra nhiều tên tuổi có sức nặng không kém, đó là Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn và Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Lưu Hạc.
Rõ ràng, một thỏa thuận giải quyết khoản thâm hụt thương mại với Trung Quốc vốn đã lên tới hơn 330 tỷ USD sẽ được xem là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Đây cũng được xem là nằm trong cách làm thường thấy của chính quyền Tổng thống Trump, cố gắng giành lợi thế trên bàn đàm phán sau nhiều động thái leo thang căng thẳng. Dù các quan chức trong đoàn tỏ ra thận trọng, vị Tổng thống Mỹ thứ 45 đã không giấu được sự lạc quan trong vấn đề này.
Dù vậy, thách thức với đoàn đàm phán lần này được xem là không hề nhỏ khi Chính phủ Trung Quốc tự tin về khả năng đối đầu với Mỹ và sẽ không lùi bước nếu không chắc chắn rằng các đe dọa đánh thuế được bãi bỏ. Một điểm đáng chú ý khác là mặc dù sẵn sàng ngồi lại về vấn đề thâm hụt thương mại hay sở hữu trí tuệ, Trung Quốc được cho là sẽ không nhượng bộ bất kì điều gì xung quanh Made in China 2025, kế hoạch hiện đại hóa giàu tham vọng của nước này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.