4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,4% so với cùng kỳ. Trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng nhìn chung giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng không đáng kể. Giá bán sỉ thịt heo hiện tại là 20,67 Nhân dân tệ, tương đương hơn 72.300 VNĐ/kg, thấp hơn 15,4% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao chủ yếu là mặt hàng xăng dầu và rau cải.
Dự trữ chiến lược quốc gia các mặt hàng chiến lược như ngũ cốc, thịt lợn, xăng dầu được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng để điều tiết kịp thời khi xảy ra biến động. Trung Quốc cũng được đánh giá cao về hệ thống lưu thông, phân phối hàng hóa, đó là lý do mà mỗi khi nước này phong tỏa cả thành phố hàng chục triệu dân như Thượng Hải, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực phẩm thiết yếu với giá cả biến động không đáng kể.
Những chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ về miễn, giảm thuế hàng trăm tỷ USD cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh phục hồi sản xuất, bình ổn giá nguyên liệu đầu vào quan trọng như than, điện, sắt, thép cũng giúp cho chỉ số giá sản xuất hàng hóa tại nhà máy PPI tăng thấp.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Trung Quốc không khó để đạt mục tiêu CPI năm 2022 tăng 3%. Năm 2021, chỉ số giá dùng nước này chỉ tăng 0,9%.
Hệ thống chợ, siêu thị tổ chức hợp lý, thương mại điện tử phát triển rộng khắp nên hàng hóa ít qua trung gian. Điều này góp phần giúp cho giá cả được giữ trong phạm vi hợp lý.
Phân phối - yếu tố quan trọng giúp hàng hóa không tăng đột biến
Tại Bắc Kinh, các chợ đầu mối giữ vai trò quan trọng trong điều tiết giá cả. Chỉ một ngôi chợ đầu mối Tân Phát Địa đã cung cấp 80% rau củ quả cho thành phố 23 triệu dân. Ban Quản lý chợ luôn có những đầu mối cung cấp từ cơ quan chức năng địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, trang trại lớn. Các thành phố lớn hầu hết đều vận hành như thế.
Song song đó, các nền tảng thương mại điện tử rộng khắp nên giá cả cạnh tranh cao. Ở đó không chỉ có thương nhân mà nhiều nông dân đáp ứng các tiêu chuẩn của nền tảng lên bán trực tiếp nông thủy sản mình sản xuất. Dịch bệnh, thương mại điện tử góp phần quan trọng cung cấp hàng hóa cho người dân, ngay cả vùng phong tỏa. Hệ thống chợ truyền thống - siêu thị, thương mại điện tử phát triển hiện đại nên cơ quan chức năng cũng dễ quản lý và điều hành thị trường rộng lớn.
An ninh lương thực là mục tiêu chính trị hàng đầu
Trung Quốc dự trữ dầu hàng đầu thế giới. Dù chiếm 20% dân số thế giới nhưng tích trữ hơn 50% sản lượng ngô và nhiều loại ngũ cốc của thế giới. Khi mâu thuẫn với phương Tây gay gắt, nước này càng tăng dự trữ. Rồi thịt lợn - mặt hàng mang ý nghĩa chính trị luôn được bổ sung đầy ắp các kho dự trữ quốc gia và khi biến động xả ra để bình ổn giá. Không chỉ cấp đông dự trữ quốc gia mà từng địa phương còn nắm trong tay các trang trại, hợp tác xã quốc doanh nuôi lợn - một kiểu dự trữ của địa phương.
Vài năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp với mục tiêu tiến tới tự chủ thịt lợn, bò, cừu, sữa… Đối với các mặt hàng chiến lược như điện, than, sắt thép, xi măng, các doanh nghiệp Nhà nước có vai trò quan trọng trong điều tiết giá. Năm 2022, Trung Quốc đặt mục tiêu ổn định là quan trọng hàng đầu nên quản lý giá cả để người dân đỡ áp lực trong bối cảnh dịch bệnh, thế giới biến động càng được ưu tiên.
Cú sốc lạm phát năm nay thực sự mang tính toàn cầu, hầu hết các quốc gia đều đang ghi nhận xu hướng hàng hóa tăng giá nhanh. Trang tài chính của Thời báo phố Wall cũng chỉ ra rằng đến nay, giới chức Bắc Kinh vẫn hết sức cố gắng để giữ cho tình trạng lạm phát toàn cầu không ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế trong nước. Theo báo này, Trung Quốc hiện đang áp dụng rộng rãi các phương pháp như kiểm soát giá và bảo hộ thương mại, để lạm phát nhập khẩu không bị đẩy sang người tiêu dùng, hay sẵn sàng chi mạnh tay để trợ giá với các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, không có giải pháp nào là dễ dàng, Bắc Kinh đang phải dùng ngân sách để duy trì kho dự trữ chiến lược.
Kinh tế Trung Quốc lao đao vì COVID-19 VTV.vn - Cơ quan thống kê Trung Quốc cho biết, môi trường quốc tế ngày càng khắc nghiệt cùng với cú sốc lớn hơn từ COVID-19 đang khiến áp lực ngày càng tăng với kinh tế nước này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!