Trung Quốc thí điểm dự án "tiền số" với tham vọng ảnh hưởng toàn cầu

Diệu Linh (Theo CNBC)-Thứ ba, ngày 26/05/2020 06:00 GMT+7

Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong cuộc đua phát hành tiền số

VTV.vn - Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số quốc gia trong thế giới thực.

Việc thí điểm tiền số của Trung Quốc được xem là điều thú vị nhất nhưng lại ít được chú ý nhất, theo phân tích trong bài góc nhìn mới đây trên CNBC của ông Frederick Kempe, Chủ tịch kiêm CEO của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) - một tổ chức nghiên cứu của Mỹ có sức ảnh hưởng về các vấn đề toàn cầu.

Dự án thí điểm tiền số được Trung Quốc triển khai tại 4 thành phố lớn. Đây là động thái bỏ xa Mỹ trong cuộc đua phát hành tiền số - một yếu tố then chốt trong thời đại kinh tế số.

Đồng tiền kỹ thuật số quốc gia này kết hợp với hệ thống thanh toán điện tử hiện đại của Trung Quốc sẽ tạo ra một nền tảng số khổng lồ hoạt động hiệu quả. Bước đi này của Bắc Kinh, theo thời gian, sẽ mang lại tác động toàn cầu lớn hơn bất cứ điều gì mà Bắc Kinh đã làm ở Hong Kong (Trung Quốc) hoặc thậm chí với Đài Loan (Trung Quốc).

Trung Quốc thí điểm dự án tiền số với tham vọng ảnh hưởng toàn cầu - Ảnh 1.

Trung Quốc thí điểm dự án tiền kỹ thuật số tại 4 thành phố lớn, một bước đi bỏ xa Mỹ về việc phát triển kinh tế số. Ảnh: Bloomberg

Trong khi đó, các nhà hoặc định chính sách Mỹ còn chưa chuẩn bị gì trước động thái thí điểm tiền số của Trung Quốc, theo đánh giá của hai chuyên gia Aditi Kumar và Eric Rosenbach trên tạp chí đối ngoại Foreign Affairs (Mỹ).

Nhìn chung, đồng tiền số quốc gia này của Trung Quốc sẽ làm suy yếu sức mạnh của các biện pháp trừng phạt của Mỹ và giới hạn khả năng mà các quan chức Mỹ có thể theo dõi các nguồn tài chính bất hợp pháp.

Đặt dự án thí điểm tiền số quốc gia này vào bức tranh toàn cảnh những động thái khác của Trung Quốc thời gian gần đây sẽ thấy rõ hơn về sự liên quan và bổ trợ giữa các bước đi như các mắt xích tác động qua lại trong 1 kế hoạch tổng thể.

Trung Quốc mạnh tay đầu tư hơn 1,4 nghìn tỷ USD vào các công nghệ chủ chốt, với tham vọng vượt Mỹ trên đường đua công nghệ. Cùng lúc đó, ngân sách dành cho quốc phòng của Trung Quốc tăng thêm 9% nhằm gia tăng sức ảnh hưởng đối với các định chế đa phương trên thế giới khi chính quyền Trump có ý định rút lui khỏi các định chế tài chính này.

Mới đây, Bắc Kinh cam kết tài trợ 2 tỷ USD cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Một sự kiện đang gây nhiều tranh cãi những ngày qua là việc Trung Quốc ban hành dự luật an ninh mới với đặc khu hành chính Hong Kong, ảnh hưởng đến tình trạng đặc biệt của Hong Kong (Trung Quốc) - điều giúp thành phố này duy trì vị thế trung tâm tài chính toàn cầu. Tất cả các bước đi đều nhằm củng cố tham vọng nâng cao kiểm soát trong nước và giành thêm lợi ích, ảnh hưởng toàn cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình.

"Những tiến bộ lịch sử vĩ đại luôn đến sau những thảm hoạ lớn", lời chia sẻ của Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc trò chuyện gần đây với các giáo sư và sinh viên Đại học Giao thông Tây An dễ khiến người ta liên tưởng về nỗ lực thần tốc mở cửa trở lại nền kinh tế của Trung Quốc sau khi trải qua đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Frederick Kempe, sẽ là đặt vấn đề sai cách nếu như cho rằng đại dịch COVID-19 có thể khiến Trung Quốc mạnh hơn hay yếu đi trên trường quốc tế. Trung Quốc có thể suy yếu về kinh tế và danh tiếng nhưng lại có quyết tâm cao hơn về mặt địa chính trị.

Ngay cả khi lần đầu tiên Quốc hội Trung Quốc không đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 sau khi ghi nhận mức suy giảm 6,8% trong quý I/2020, nước này vẫn cho thấy quyết tâm chính trị lớn khi nhắm đến Hong Kong (Trung Quốc) và tăng cường các hành động ngăn ngừa ảnh hưởng và sự can thiệp của nước ngoài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước