"Trung Quốc ưu tiên quan hệ với Nga, cường quốc láng giềng của Bắc Kinh"

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 22/03/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Ngay sau khi tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình đã chọn thăm Moscow đầu tiên, thể hiện sự coi trọng của Trung Quốc trong quan hệ với Nga.

Hội nghị thượng đỉnh ngày 21/3 tại điện Kremlin giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc được thông báo là những trao đổi sâu sắc và thông suốt trước khi hai bên ký các thỏa thuận hợp tác chung. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo tập trung thảo luận cuộc khủng hoảng tại Ukraine và tăng cường quan hệ kinh tế giữa Moscow và Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc ưu tiên quan hệ với Nga, cường quốc láng giềng của Bắc Kinh.

Cách đây 10 năm, Nga là điểm đến đầu tiên sau khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch nước. Ngay sau khi tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình lại lựa chọn thăm Moscow đầu tiên, thể hiện sự coi trọng của Trung Quốc trong quan hệ với Nga trong thời đại mới. Về phía Nga, dư luận nước này cho rằng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ mở ra một "kỷ nguyên mới" trong quan hệ song phương.

"Người bạn thân thiết" - cách hai nhà lãnh đạo Nga - Trung Quốc đã thân mật gọi nhau - được nhiều tờ báo Nga nhấn mạnh ngay từ những dòng đầu tiên. Một cuộc gặp "mặt đối mặt" không hạn chế về thời gian được cho là đặc biệt giữa hai nguyên thủ quốc gia.

Giới chuyên gia nhận định, Moscow đã đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm này, với các cuộc đàm phán sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc. Trong bối cảnh các nước phương Tây tiếp tục áp đặt nhiều trừng phạt với Moscow liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine, chuyến đi của nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Nga được xem như một tín hiệu gửi đến phương Tây về sự xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc.

Trung Quốc ưu tiên quan hệ với Nga, cường quốc láng giềng của Bắc Kinh - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20/3. Ảnh: Tân Hoa xã.

Thượng nghị sĩ Sergei Tsekov, thành viên Ủy ban Quốc tế của Hội đồng LB Nga khẳng định, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình thể hiện thái độ đặc biệt của Trung Quốc đối với Nga và mối quan hệ đặc biệt nói chung giữa hai nước trong thế giới hiện đại.

Cả Nga và Trung Quốc đang đợi chờ những văn kiện quan trọng được ký kết trong chuyến đi này, khẳng định "tăng cường quan hệ đối tác toàn diện và chiến lược bước vào một kỷ nguyên mới".

Trong 10 năm qua, ông Tập Cận Bình đã có 8 chuyến đi đến Nga và hai nhà lãnh đạo Nga - Trung Quốc đã có 40 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc trong các hoạt động song phương và đa phương. Với chuyến thăm "lịch sử" trong bối cảnh này, theo nhiều chuyên gia, cho thấy sự xích lại gần nhau về mặt chiến lược giữa hai quốc gia.

Thắt chặt quan hệ Trung Quốc - Nga và cục diện thế giới

Chuyến thăm Nga lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình đã cho thấy ưu tiên và tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác Trung Quốc - Nga đối với cả hai nước. Nhìn lại lịch sử những năm gần đây, quan hệ hai nước đã liên tiếp được đẩy mạnh, thậm chí trước cả khi nổ ra xung đột tại Ukraine. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gay gắt trên toàn cầu, việc thắt chặt quan hệ giữa hai nước lớn cũng tạo ra những tác động tới cục diện thế giới, khu vực theo nhiều hướng khác nhau.

Theo nhiều chuyên gia quốc tế, việc thắt chặt quan hệ Trung Quốc - Nga trong bối cảnh hiện nay là nhằm thể hiện cho Mỹ và phương Tây thấy rằng sự thống nhất chung của các quốc gia này cân bằng lại ảnh hưởng với phương Tây, đặc biệt là khi Mỹ gia tăng củng cố quan hệ với các đồng minh quan trọng toàn cầu, trải dài từ các châu Âu tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Phillippines, Australia.

Trung Quốc ưu tiên quan hệ với Nga, cường quốc láng giềng của Bắc Kinh - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (phải) trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov bên lề cuộc họp G20 ở New Delhi hôm 2/3. Ảnh: Xinhua.

Ông Joseph Torigian - Chuyên gia chính trị Trung Quốc, Đại học Mỹ khẳng định: "Trung Quốc thực sự muốn khẳng định quan hệ đối tác chiến lược với Nga để chứng tỏ rằng những nỗ lực của Mỹ nhằm chia rẽ mối quan hệ này sẽ không có tác dụng. Trung Quốc cũng muốn cho thế giới thấy rằng có thể đóng một vai trò xây dựng".

Động thái này cũng gây ra những lo ngại từ Mỹ về một cục diện thế giới mà Mỹ muốn đóng vai trò lãnh đạo.

Ông John Kirby - Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng: "Trung Quốc và Nga đang muốn thay đổi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà Mỹ cùng rất nhiều đồng minh và đối tác đã xây dựng. Họ muốn viết lại luật chơi trên toàn cầu".

Ở bình diện toàn cầu, trong bối cảnh xung đột Nga - phương Tây chưa hạ nhiệt, căng thẳng Mỹ - Trung Quốc vẫn tiếp diễn, thì việc thắt chặt hơn nữa quan hệ Trung Quốc - Nga cùng với các động thái của Mỹ và đồng minh đang đẩy thế giới theo hướng đa cực nhưng cũng phân cực hơn.

GS. Carl Thayer - Nhà nghiên cứu chính trị quốc tế, Đại học New South Wales, Australia: "Mỹ, NATO, EU cùng các đồng minh như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc đã tạo thành một cực, trong khi Nga và Trung Quốc đang hình thành quan hệ đối tác không giới hạn. Vì vậy, đây là một trật tự thế giới phân cực với đa trung tâm".

Với những chuyển động địa chính trị hiện tại, các chuyên gia nhận định, các nước lớn sẽ tiếp tục gia tăng tập hợp lực lượng, tranh giành ảnh hưởng; một mặt cạnh tranh với nhau nhưng vẫn nỗ lực kiềm chế xung đột.

Chủ tịch Trung Quốc đã nhấn mạnh việc phát triển quan hệ với Moscow là một lựa chọn chiến lược. Cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Nga cho thấy mối quan hệ chặt chẽ song phương tiếp tục được tăng cường và hai bên chia sẻ tầm nhìn chiến lược chung.

Trong bối cảnh hiện tại, các nước khu vực đang ở trong cuộc cạnh tranh lôi kéo đồng minh, tập hợp lực lượng. Vì thế, chủ trương không chọn bên, ủng hộ hòa bình, ổn định trên toàn thế giới vẫn là một sự lựa chọn khôn khéo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước