Tài liệu do Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Văn phòng Quốc vụ viện phối hợp công bố, nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy xây dựng hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cơ bản là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chiến lược quốc gia về ứng phó với già hóa dân số và bình đẳng hóa những dịch vụ công cơ bản.
Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các tỉnh thực hiện theo danh sách những dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cơ bản dựa trên các yếu tố như mức độ phát triển kinh tế, xã hội và tình hình tài chính. Các dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc người cao tuổi cơ bản bao gồm các dịch vụ hỗ trợ vật chất, điều dưỡng và chăm sóc, cùng các dịch vụ khác.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc dự đoán, dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chạm mốc 400 triệu người vào năm 2035, so với mức 280 triệu người hiện nay. Điều này đồng nghĩa các cơ sở cộng đồng và viện dưỡng lão sẽ cần khoảng 40 triệu giường, gấp 5 lần so với mức 8 triệu giường hiện tại. Những cơ sở chăm sóc người cao tuổi mới sẽ được xây dựng sẽ theo tiêu chuẩn của Chính phủ Trung Quốc, trong khi các cơ sở cũ hơn sẽ được cải tạo để mang lại môi trường an toàn, thuận tiện và thoải mái.
Ông Lý Bằng Hoa - Phó Cục trưởng Cục chăm sóc người cao tuổi, Bộ Nội vụ Trung Quốc: "Các khu đô thị và khu dân cư mới xây dựng nên có các cơ sở chăm sóc người cao tuổi theo tiêu chuẩn và yêu cầu. Ngoài ra, các cơ sở dịch vụ chăm sóc người cao tuổi nên được bổ sung trong khu phố cổ và khu dân cư hiện có trong các dự án cải tạo nhằm khắc phục những điểm yếu trong khu dân cư. Các cơ sở chăm sóc người cao tuổi do chính phủ đầu tư nên ưu tiên thực hiện các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cơ bản".
Hướng dẫn mới ban hành cũng lưu ý rằng các gia đình gặp khó khăn về tài chính sẽ được hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi và đảm bảo tất cả các nguồn lực thể chế liên quan đến chăm sóc người cao tuổi được tối ưu hóa và tích hợp, đồng thời cải thiện hệ thống lương hưu cơ bản, triển khai hệ thống an ninh chăm sóc dài hạn kết nối bảo hiểm và phúc lợi.
Thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi
Nhân lực chăm sóc người cao tuổi ở Trung Quốc là một trong những vấn đề đau đầu nhất mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang phải đối mặt trước cuộc suy thoái nhân khẩu học đầu tiên của đất nước kể từ Cách mạng Văn hóa. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại nhìn nhận vấn đề chăm sóc người cao tuổi theo một cách khác, họ cho rằng dân số Trung Quốc già hóa đang mở ra cơ hội lớn cho ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đồng thời giúp họ sống độc lập lâu hơn và loại bỏ dần quan niệm họ là gánh nặng cho xã hội.
Các nền tảng dịch vụ thông minh và thiết bị kỹ thuật số đang giúp thổi luồng sinh khí mới vào nhóm dân số cao tuổi ngày càng tăng của Trung Quốc, thúc đẩy sự phát triển của "nền kinh tế" bạc, đồng thời cải thiện hệ thống chăm sóc người cao tuổi trong nước.
Tại thủ đô Bắc Kinh, một công ty công nghệ chuyên về chăm sóc sức khỏe đã phát triển nền tảng dữ liệu lớn có thể theo dõi tình trạng sức khỏe người cao tuổi thông qua các thiết bị đeo trên người. Số lượng đơn đặt hàng trong quý đầu tiên của năm nay đã vượt quá tổng số đơn trong nửa đầu năm 2022. Điều này cho thấy khái niệm về các thiết bị thông minh dần trở nên phổ biến trong một xã hội chú trọng đến sức khỏe.
Chị Meng Lingqin - Phó Tổng giám đốc công ty công nghệ chăm sóc sức khỏe: "Người già trên 60 tuổi chiếm một nửa số khách hàng của chúng tôi, phần lớn là người trẻ mua cho bố mẹ họ, giá cả dao động từ 1.000 NDT đến 3.000 NDT".
Tại Triển lãm Chăm sóc và Phục hồi chức năng Trung Quốc 2023 vừa diễn ra, nhiều sản phẩm công nghệ trợ giúp người cao tuổi cũng được giới thiệu và thu hút sự chú ý. Điển hình như thiết bị được đeo lên cơ thể người dùng một cách đơn giản, nhưng lại có chức năng như đôi chân phụ giúp bệnh nhân tập vận động.
Ông Xiong Jun - Người tham gia triển lãm: "Thiết bị này có điểm cộng là tính linh hoạt. Chúng tôi sử dụng công nghệ tích hợp thông tin đa phương thức có khả năng nhận biết trước ý định chuyển động của con người và đưa ra phán đoán về môi trường phức tạp xung quanh. Sản phẩm này có thể được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi".
Theo những người trong ngành này, các thiết bị như đồng hồ, vòng đeo tay thông minh và màn hình có thể kết nối với nền tảng quản lý sức khỏe của bệnh viện địa phương hoặc trung tâm y tế cộng đồng, tất cả đều có thể giúp cải thiện hệ thống chăm sóc người cao tuổi hiện tại ở Trung Quốc.
Quy mô ngành chăm sóc người cao tuổi của Trung Quốc dự báo sẽ đạt 10 nghìn tỉ NDT (hơn 1.500 tỉ USD) vào năm 2024. Với hiểu biết và khả năng tiếp thu công nghệ mới được cải thiện, tỷ lệ người trung niên và cao niên ứng dụng các thiết bị thông minh sẽ tăng nhanh. Từ đó, các sản phẩm thông minh có thể giúp người cao tuổi phần nào bớt phụ thuộc vào người chăm sóc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!