Moscow liên tục làm suy thoái cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine vì các nhà máy điện, trạm biến áp lưới điện và cơ sở lưu trữ ở nước này đã trở thành mục tiêu trong các cuộc không kích của Nga.
Ở một quốc gia mà nhiệt độ vào mùa đông thường xuyên xuống dưới mức đóng băng, nhu cầu sử dụng điện của Ukraine sẽ rất lớn. Các thành phố tuyến đầu như Kharkov đã phải hứng chịu áp lực lớn nhất khi 2 trong số các nhà máy điện phục vụ thành phố này đã bị phá hủy vào tháng 3.
Nga đã xác định được một điểm yếu trong cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Lưới điện của Ukraine quá lớn để có thể phòng thủ đúng cách, đặc biệt là khi hệ thống phòng không tương đối thiếu hụt.
Việc Ukraine liên tục suy yếu khả năng sản xuất điện phụ vụ người dân và nền kinh tế đã buộc nước này phải phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng hạt nhân. Nỗi lo về việc sự cố hạt nhân có thể xảy ra đã khiến các nhà máy điện hạt nhân vẫn nằm trong quyền kiểm soát của Ukraine không bị ảnh hưởng nhiều.
Tuy nhiên, nhu cầu về điện hạt nhân của Ukraine rất cao. Năng lượng hạt nhân hiện cung cấp 70% nhu cầu năng lượng của Ukraine - một trong những mức cao nhất trên thế giới, thậm chí còn cao hơn mức 65% của Pháp.
Dù không có khả năng các nhà máy điện hạt nhân bị ném bom nhưng những trạm biến áp và trạm chuyển mạch điện - chịu trách nhiệm cung cấp điện cho lưới điện - rất dễ bị thiệt hại và khó sửa chữa hoặc thay thế.
Tình trạng mất điện luân phiên trong mùa hè là chuyện thường xuyên xảy ra ở Ukraine. Tuy nhiên, khi mùa thu chuyển sang mùa đông, tình trạng thiếu điện này sẽ trở nên trầm trọng hơn - không chỉ do thiếu năng lượng để sử dụng cho hệ thống sưởi ấm mà còn do ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển của Ukraine phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu điện năng đang ngày càng tăng của họ.
Ngành công nghiệp này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì lực lượng vũ trang của Ukraine trong bối cảnh sự hỗ trợ từ Mỹ ngày càng giảm sút. Bất kể ứng cử viên nào thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11, tình cảm của người Mỹ dành cho Ukraine mặc dù vẫn ủng hộ nhưng đã liên tục giảm sút.
Áp lực tài chính trong nước, sự mệt mỏi vì chiến tranh và việc chuyển hướng các nguồn lực quân sự sang Israel trong năm qua đã làm xói mòn sự ủng hộ và thiện chí dành cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Nếu Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm - ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris trở thành Tổng thống, bà có thể sẽ thúc đẩy duy trì viện trợ ở mức hiện tại. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa Thượng viện do đảng Cộng hòa nắm giữ và đảng Dân chủ ngày càng tập trung vào các vấn đề trong nước, cũng như quy trình tài trợ cho một cuộc chiến tranh ở nước ngoài kéo dài có thể kìm hãm chính quyền của bà.
Cựu Tổng thống Mỹ - ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã lên tiếng về khả năng giải quyết xung đột nhanh chóng của mình liên quan đến một thỏa thuận sẽ chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine, với phần lớn miền Đông giàu tài nguyên của Ukraine do Nga kiểm soát.
Liên minh châu Âu - trong đó nhiều nước EU cũng là thành viên NATO - đã nhiều lần cam kết hỗ trợ Kiev. Khả năng thiếu hụt viện trợ của Mỹ là rất lớn, trong khi các ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu chỉ mới bắt đầu tăng cường sản xuất. Nhiều người lo ngại rằng khi năng lực sản xuất quốc phòng tăng lên và hàng tỷ USD được chi tiêu, một thỏa thuận hòa bình có thể được ký kết, khiến nhu cầu về số lượng lớn thiết bị quân sự không còn nữa.
Ngoài những rủi ro kinh tế tiềm ẩn, về mặt chính trị, châu Âu không có chung tiếng nói. Nhiều nước thành viên EU đã chuyển sang cánh hữu cầm quyền, điều này có thể ảnh hưởng đến sự ủng hộ của khối đối với Ukraine.
Đức - nhà tài trợ lớn thứ 2 sau Mỹ - đã tuyên bố rằng nước này có kế hoạch giảm một nửa viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!