UNICEF chuyển hàng cứu trợ đến hơn 100 quốc gia ứng phó COVID-19

T.K-Thứ hai, ngày 29/06/2020 17:45 GMT+7

UNICEF đã chuyển hơn 550.000 bộ xét nghiệm COVID-19, và dự kiến sẽ chuyển thêm 912.000 bộ từ nay đến tháng 8. Ảnh minh họa.

VTV.vn - 7,5 triệu khẩu trang phẫu thuật, 2,8 triệu khẩu trang chuyên dụng, gần 10 triệu găng tay, hơn 830.000 áo choàng phẫu thuật, gần 600.000 mặt nạ bảo hộ… đã được chuyến đi.

Khi đại dịch COVID-19 tấn công và làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới, UNICEF vẫn tiếp tục nỗ lực chuyển hàng cứu trợ thiết yếu đến các quốc gia bất chấp những hạn chế về vận tải và chuyên chở hàng hóa do tác động của đại dịch COVID-19.

"Từ việc thiếu hàng hóa cho đến những hạn chế chuyên chở, COVID-19 đặt ra thách thức to lớn đối với hoạt động cung ứng hàng hóa của chúng tôi", bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF, nhận định - "Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các đối tác, chúng tôi đã có thể đáp ứng được một số nhu cầu cấp bách nhất và đảm bảo an toàn cho trẻ em và cộng đồng".

Tính từ đầu năm đến nay, UNICEF đã chuyển hàng cứu trợ thiết yếu gồm các trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) tới hơn 100 quốc gia để hỗ trợ ứng phó với đại dịch, trong đó có 7,5 triệu khẩu trang phẫu thuật, 2,8 triệu khẩu trang chuyên dụng (N95), gần 10 triệu găng tay, hơn 830.000 áo choàng phẫu thuật, và gần 600.000 mặt nạ bảo hộ. UNICEF đã chuyển hơn 550.000 bộ xét nghiệm và dự kiến sẽ chuyển thêm 912.000 bộ từ nay đến tháng 8, đang chuyển hơn 16.000 máy tạo oxy đến 90 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Năm 2019, giá trị hàng hóa và dịch vụ UNICEF mua để hỗ trợ trẻ em tại 150 quốc gia đã đạt mức kỷ lục 3,826 tỷ USD, tiết kiệm 363,3 triệu USD cho các chính phủ và nhà tài trợ nhờ phát huy ưu thế mua sắm hàng hóa cứu trợ và phương thức mua sắm chiến lược cùng với các đối tác và doanh nghiệp

Tại Việt Nam, UNICEF đã chuyển cho Bộ Y tế 15.000 bộ đồng phục bảo hộ để phân phát cho các cơ sở y tế cần thiết. UNICEF cũng cấp phát các hàng hóa thiết yếu như xà phòng, nước rửa tay và bình lọc nước bằng gốm cho các trường học, trung tâm y tế và người dân ở 7 tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Ninh Thuận, Lào Cai, Điện Biên, Gia Lai và Kon Tum. Những hàng hóa được mua trong nước này đã đến được với 340.000 người dân, trong đó phần lớn là trẻ em, nhằm bảo vệ họ khỏi bị lây nhiễm COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.

Hạn chế các chuyến bay thương mại cũng gây thiệt hại lớn đến vận chuyển hàng cứu trợ cho các chương trình thường xuyên. Thông thường, từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, UNICEF hoàn thành chuyển hơn 700 đợt vaccine đến các quốc gia. Nhưng cùng thời điểm này năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch, UNICEF chỉ thực hiện được 391 đợt vận chuyển vaccine. Mặc dù có những khó khăn như vậy nhưng UNICEF đã hỗ trợ kịp thời mua và giao 800.000 liệu vaccine phòng Sởi (IPV) cho Việt Nam nhằm phục vụ công tác tiêm chủng thường quy, góp phần đảm bảo lưu trữ vaccine đầy đủ để chương trình tiêm vaccine Sởi ở Việt Nam không bị gián đoạn. UNICEF còn hỗ trợ mua 340 tủ lạnh y tế để lưu trữ vaccine, dự kiến sẽ tới Việt Nam vào tháng 7 năm 2020.

Để giải quyết thách thức trong vận chuyển vaccine, UNICEF đang kêu gọi các chính phủ, khu vực tư nhân, ngành công nghiệp hàng không và những ngành khác cung cấp các giải pháp vận chuyển hàng hóa với mức giá dịch vụ phải chăng đối với hàng hóa và vaccine thiết yếu đối với trẻ em. Ví dụ như trong một thỏa thuận vận chuyển gần đây, UNICEF đã kết hợp các đợt vận chuyển vaccine riêng lẻ thành một đợt, giao hàng tại 8 điểm dừng ở các quốc gia Tây Phi. Nếu không có thỏa thuận này thì những khu vực này sẽ rất khó tiếp cận.

Các hoạt động ứng phó COVID-19 của UNICEF được phát huy trên cơ sở một năm hoạt động cung ứng mạnh mẽ trong năm 2019, khi mua sắm hàng hóa và dịch vụ của UNICEF đạt mức kỷ lục 3,826 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2018. Hơn 1/3 tổng mua sắm là mua vaccine trị giá 1,656 tỷ USD, 2,43 tỷ liều cho hơn 100 quốc gia, tiếp cận 45% số trẻ em dưới năm tuổi trên toàn thế giới.

UNICEF vượt 35% mục tiêu tiết kiệm chi phí năm 2019, tiết kiệm được 363 triệu USD từ việc phát huy thế mạnh của các phương thức mua sắm chiến lược.

"Phối hợp với chính phủ các quốc gia, đối tác và khu vực tư nhân là then chốt trong những nỗ lực đem hàng cứu trợ đến với trẻ em của chúng tôi" - bà Etleva Kadilli, Giám đốc phụ trách mua sắm hàng hóa và cung ứng của UNICEF, nhận định - "Với phương thức tiếp cận toàn cầu, đổi mới, chúng tôi phát huy sức mạnh trong mua sắm và tiết kiệm đáng kể cho các chính phủ và nhà tài trợ. Khi chúng ta cùng chung tay ứng phó với đại dịch COVID-19, phương thức tiếp cận này càng trở nên quan trọng hơn nhằm phát huy tối đa tác dụng của mỗi đồng đô la để tiếp tục duy trì các chương trình hiện nay, khi các quốc gia tăng cường nỗ lực ứng phó với COVID-19".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước