Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang là sự kiện nóng thu hút sự chú ý đặc biệt của giới truyền thông và dư luận thế giới. Càng gần đến ngày bầu cử 3/11, mối quan tâm ngày càng lớn, đặt vào những yếu tố sẽ quyết định sự thắng- bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Một trong số đó là xét đến tính chất chiến lược của những bang quan trọng nhất tại Mỹ, nơi ứng cử viên nào có chiến thuật tốt thì sẽ giành chiến thắng toàn cục.
Hiện tại, sự tập trung đang được giới quan sát định hình tại một số bang được coi là chiến trường, nơi không có gì là chắc chắn cho bất kỳ ứng cử viên nào. Một loạt các bang chiến trường có thể quyết định thành bại của cuộc bầu cử năm nay đều nằm trên một khu vực đặc biệt được gọi Rust Belt, tạm dịch là "Vành đai Rỉ sét".
Những bang sậm màu nằm trên Vành đai Rỉ sét (Rust Belt) Nguồn: Business Insider
Vành đai Rỉ sét: Một lịch sử biến động của nền công nghiệp Mỹ
Cụm từ "Vành đai Rỉ sét" được dùng để chỉ một khu vực trải dài qua một số bang ở miền Trung Tây của nước Mỹ. Xuôi từ bang New York đến Wisconsin, vành đai này đi qua phần lớn các bang Pennsylvania, Ohio, Indiana và Michigan, đồng thời vắt qua một số bang khác như West Virginia và Illinois.
Trong nhiều thập kỷ của thế kỷ 20, khu vực này từng chứng kiến thời kỳ hoàng kim của ngành công nghiệp Mỹ. Hàng loạt nhà máy mọc lên tại khắp các đô thị từ Detroit, Chicago tới St. Louis, tạo nên những thành phố công nghiệp lớn. Các ngành công nghiệp sản xuất ô tô và thép đặc biệt được chú trọng và hưởng lợi lớn từ nguồn nhân lực nhập cư dồi dào, nhất là sau Chiến tranh Thế giới 2. Chi phí nhân công rẻ là một yếu tố tiên quyết, giúp cho các ngành công nghiệp bùng nổ, trong đó Detroit, bang Michigan, vươn lên trở thành kinh đô sản xuất ô tô hàng đầu thế giới, một thành phố biểu tượng của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ.
Bức tranh tường nổi tiếng tại thành phố Detroit mô tả thời kì bùng nổ của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ những năm 1930 - Nguồn: Detroit Institute of Arts
Tuy nhiên, đến thập niên 1980, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Từ năm 1979 đến năm 1982, các thành phố công nghiệp lớn phải thích nghi với hàng loạt biến động về kinh tế và xã hội khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) tăng mức lãi suất cơ bản trên toàn nước Mỹ lên 19%, khiến đồng USD tăng giá. Điều này khiến các sản phẩm sản xuất tại Mỹ trở nên đắt đỏ hơn khi xuất khẩu, trong khi các sản phẩm nhập khẩu trở nên dễ tiếp cận hơn cho người dân Mỹ. Từ đây, nhu cầu sản xuất tại Mỹ đi xuống. Các doanh nghiệp dần dần chuyển dây chuyền sản xuất tới các quốc gia có chi phí nhân công và nguyên liệu rẻ hơn, nhiều nhà máy tại các trung tâm công nghiệp hoàng kim một thời, dần rơi vào trạng thái "rỉ sét". Từ đó, cụm từ "Vành đai Rỉ sét" ra đời.
Vành đai Rỉ sét quyết định thắng thua trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016
Một ứng cử viên phải giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri mới có thể đắc cử Tổng thống Mỹ. Vành đai Rỉ sét được phân bổ tới hơn 120 phiếu đại cử tri khiến cho khu vực này luôn đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Quay trở lại thời điểm bốn năm về trước, tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, tỷ phú Donald Trump đã chiến thắng sít sao trước cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton mặc dù giành được ít hơn tới 3 triệu phiếu phổ thông. Đó là bởi, ông Trump đã chiến thắng ở nhiều bang hơn, giành được nhiều phiếu đại cử tri hơn, đặc biệt tại các bang chiến trường nằm trên Vành đai Rỉ sét.
Có một thực tế là tại Mỹ, nhiều tiểu bang luôn thể hiện rõ quan điểm ủng hộ đảng Dân chủ hoặc đảng Cộng hòa. Nhóm bang này được chia thành "Bức tường xanh" – có truyền thống đứng về phía đảng Dân chủ và "Bức tường đỏ" – có truyền thống đứng về phía đảng Cộng hòa. Ở những bang này, thường hiếm có sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai ứng cử viên. Sự tập trung được dồn vào những bang chiến trường, nơi bất cứ diễn biến khó lường nào cũng có thể quyết định cuộc đua. Đáng nói, những bang chiến trường không cố định mà thay đổi theo tình hình của từng cuộc bầu cử.
Ứng cử viên tổng thống Mỹ không thể chủ quan với các bức tường Xanh – Đỏ - Nguồn: BBC
Ở kỳ bầu cử năm 2016, một số tiểu bang thuộc Vành đai Rỉ sét đã trở thành những bang chiến trường, trong đó có 3 bang Wisconsin, Pennsylvania và Michigan vốn thuộc "Bức tường xanh". Điều này một phần đến từ những sai lầm chiến lược của bà Clinton. Vị cựu ngoại trưởng đã dồn quá nhiều nguồn lực vào các bang Florida, North Carolina và Ohio mà quên đi việc phải củng cố sự ủng hộ của "Bức tường xanh". Sự chủ quan về những bang "sân nhà" của bà Clinton đã giúp ông Trump giành chiến thắng. Pennsylvania và Michigan trước đó chưa từng thuộc về ứng cử viên đến từ đảng Cộng hòa kể từ năm 1992, còn với Wisconsin là từ năm 1988. Ông Trump năm đó có số phiếu phổ thông ở 3 bang Wisconsin, Pennsylvania và Michigan cao hơn bà Clinton chỉ vỏn vẹn 0,8%, 0,7% và 0,2% nhưng như vậy là đã đủ để chiến thắng và giành toàn bộ 46 phiếu đại cử tri tại 3 bang này, nâng tổng số phiếu đại cử tri của ông lên thành 304, bỏ xa bà Clinton với 227 phiếu.
Ông Trump chiến thắng bà Clinton với khoảng cách sít sao tại 3 bang Wisconsin (WI), Pennsylvania (PA) và Michigan (MI) năm bầu cử 2016 - Nguồn: CNN
Vành đai Rỉ sét 2020 – Cuộc so găng giữa Donald Trump và Joe Biden
Sau những diễn biến then chốt tại cuộc bầu cử 2016, Vành đai Rỉ sét hứa hẹn sẽ lại là một điểm nóng khi ngày bầu cử 3/11 đã cận kề. Hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden đều dành nhiều sự quan tâm đến khu vực này trong chiến dịch của mình.
Ông Trump và ông Biden tỏ ra đặc biệt coi trọng các bang thuộc Vành đai Rỉ sét trong cuộc vận động tranh cử năm nay - Nguồn: AP
Cụ thể, cả hai ứng cử viên đều đã dừng chân tại bang Michigan một vài lần trong quá trình tranh cử và đều đưa ra lời hứa sẽ khôi phục nền công nghiệp sản xuất ở tiểu bang này, đặc biệt là ông Biden. Ứng cử viên 77 tuổi đã xuất hiện tại hạt Macomb vào tháng trước và nhấn mạnh vào nỗ lực nhằm hồi sinh ngành sản xuất xe hơi tại Detroit. Chiến dịch của ông Biden được tiếp thêm sức mạnh nhờ sự góp mặt của cựu Tổng thống Barrack Obama. Ông Obama trực tiếp đi vận động tranh cử cùng ông Biden, vốn là cựu phó Tổng thống trong suốt 2 nhiệm kì tại Nhà Trắng giai đoạn 2009 – 2017.
Ông Biden phát biểu về kế hoạch hỗ trợ sản xuất tại Mỹ ở bang Michigan – Nguồn: AP
Trong khi đó ông Trump cũng vừa có bài phát biểu tại Macomb tối ngày 16/10 vừa qua. Trước đám đông người ủng hộ, đương kim tổng thống liên tiếp chỉ trích trực diện nhằm vào đối thủ Joe Bien, nhấn mạnh vào bài báo gây tranh cãi mới đây của tờ New York Post tiết lộ bằng chứng tham nhũng chưa được xác thực liên quan đến người con trai Hunter của ông Biden. Giới quan sát nhận định, ông Trump sẽ không bỏ lỡ bất kì một cơ hội nào để nâng cao vị thể của mình tại đây, hạt Macomb chính là nơi đã giúp ông xoay chuyển tình thế trước bà Clinton ở Michigan vào năm 2016.
Đội ngũ của ông Trump cũng phải dành sự quan tâm lớn đến Michigan bởi ảnh hưởng nặng nề mà dịch COVID-19 đã gây ra tại đây với hơn 7000 người tử vong tại bang này. Rất nhiều người dân Michigan giữ quan điểm chỉ trích, cho rằng chính quyền đã xử lý đại dịch một cách tệ hại. Việc Tổng thống Trump mắc COVID-19 dường như càng củng cố thêm sự chắc chắn cho nhận định này. Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất tại đây cho thấy ông Biden đang dẫn trước ông Trump 9 điểm % (Biden: 53% - Trump: 44%).
Những người ủng hộ tại Michigan chờ đón chuyên cơ của Tổng thống Donald Trump hạ cánh – Nguồn: AP
Một tiểu bang khác là Ohio, như thường lệ, sẽ là một bang chiến trường quan trọng, đặc biệt bởi nơi đây đã bầu thành công vị Tổng thống trong mọi kỳ bầu cử kể từ năm 1960. Hay nói cách khác, ứng cử viên nào chiến thắng ở Ohio, thì người đó sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ. Có lẽ vì vị thế đặc biệt này mà thành phố Cleveland thuộc bang Ohio đã được chọn là nơi diễn ra cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ nhất giữa hai ứng cử viên ngày 30/9 vừa qua.
Một người ủng hộ ông Trump đứng phất cờ, phía sau là những người ủng hộ ông Biden tại 1 điểm bỏ phiếu sớm ở bang Ohio ngày 6/10 – Nguồn: AP
Còn tại Pennsylvania, ông Joe Biden đã tỏ ra rất chủ động khi thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình. Ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ đã phát biểu tại thành phố Erie, chứng kiến lần đầu tiên một ứng viên phe "màu xanh" đặt chân đến đây sau hàng chục năm. Phát biểu tại một cơ sở công đoàn, cựu phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh kỳ bầu cử này sẽ chứng kiến đảng Dân chủ biến khu vực này thành trọng tâm của Vành đai Rỉ sét. Trong quá khứ, thành phố này hoàn toàn ủng hộ ông Obama trong các chiến dịch tranh cử năm 2008 và 2012, trước khi ông Trump thuyết phục các cử tri nghiêng về phía mình bốn năm sau đó.
Trong khi đó, sự tập trung của Tổng thống Trump tại Pennsylvania nằm ở thành phố Johnstown – nơi từng nổi tiếng với ngành công nghiệp sắt và thép. Tại cuộc tuần hành ở đây, ông Trump đưa ra thông điệp chỉ trích những chính sách của ứng cử viên Biden đối với các ngành công nghiệp. Cụ thể, chính sách thương mại tự do của ông Biden bị ông Trump coi là không có lợi cho người Mỹ, "sẽ phá hoại toàn bộ thành thị" tại đây và "Trung Quốc sẽ thắng" nếu đại diện đảng Dân chủ nắm quyền sau ngày 3/11.
Tỉ lệ thăm dò cử tri tại Vành đai Rỉ sét trước ngày bầu cử năm nay
Chỉ còn hai tuần nữa, ngày bầu cử 3/11 sẽ diễn ra trên toàn nước Mỹ. Như thường lệ, trước mỗi kỳ bầu cử, những cuộc thăm dò dư luận đã được tiến hành để giúp các cử tri có được cái nhìn toàn cảnh về ứng cử viên nào đang nắm giữ lợi thế trong cuộc đua. Cho dù kết quả khảo sát chỉ mang tính tham khảo vì còn nhiều diễn biến khó lường có thể xảy ra trước mắt, giới quan sát và cử tri có thể đưa ra những dự đoán cơ bản về kết quả cuối cùng sau ngày 3/11.
Hai ứng cử viên bám đuổi sít sao tại các bang chiến trường thuộc Vành đai Rỉ sét – Đồ họa: VTV DIGITAL
Nhìn toàn cảnh các bang trong Vành đai Rỉ sét, có thể thấy những gì sẽ diễn ra phía trước là một kịch bản mở. Joe Biden gần như sẽ nắm được toàn bộ 49 phiếu đại cử tri của các bang New York và Illinois với số điểm dẫn trước áp đảo tới 40 và 18 điểm %. Tại New York, ông Biden nhận được 61% sự ủng hộ, so với chỉ 29% dành cho Trump. Tại Illinois, ông Biden nhận được 57% sự ủng hộ, so với 39% giành cho ông Trump.
Tổng thống đương nhiệm chỉ có lợi thế rõ rệt ở West Virginia, nơi sẽ đem về cho ông 5 phiếu đại cử tri.
Sự chênh lệch ở các bang còn lại là không quá lớn, mặc dù Biden đang nắm lợi thế ở Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Cựu phó Tổng thống sẽ không muốn lặp lại vết xe đổ mà bà Hillary Clinton đã để lại năm 2016 khi ba bang được coi là thuộc "Bức tường xanh" lại rơi vào tay ông Trump ở phút chót. Indiana và Missouri là hai tiểu bang mà vị đương kim Tổng thống sẽ cần nắm giữ lợi thế để có được 21 lá phiếu đại cử tri.
Điều bất ngờ năm nay nhiều khả năng sẽ lại nằm ở "chiến trường" Ohio, nơi mà ông Trump đang nắm lợi thế mong manh chỉ hơn 1 điểm % (Ohio: Trump 47% - Biden 46%). Với bề dày lịch sử cứ ai thắng ở Ohio là trở thành tổng thống Mỹ, cả ông Trump và ông Biden đều không muốn bỏ lỡ cơ hội để củng cố vị thế của mình.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng, nếu không có dịch COVID-19 thì có lẽ con đường đến nhiệm kỳ II của Tổng thống Donald Trump sẽ khá bằng phẳng. Ông mang đến bức tranh tích cực cho kinh tế Mỹ, thị trường chứng khoán bùng nổ, thất nghiệp ở mức thấp kỉ lục, GDP tăng trưởng có năm đạt gần 3%, cao nhất trong 1 thập kỉ. Thế nhưng dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng và Mỹ vẫn đang là tâm dịch thế giới với hơn 8,3 triệu ca mắc, trong đó hơn 225 nghìn người đã không qua khỏi, những con số tác động tiêu cực tới tỉ lệ ủng hộ dành cho chính quyền đương nhiệm. Bầu cử Mỹ vốn đã khó đoán định, biến số COVID-19 càng khiến cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay trở nên khó lường hơn. Một lần nữa, cuộc so găng của ông Donald Trump và ông Joe Biden tại Vành đai Rỉ sét rất nhiều khả năng sẽ quyết định ai là ông chủ của Nhà Trắng sau ngày 3/11.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!