Vì sao loạt video thu hút 56 triệu lượt xem làm rung chuyển chính trường Thổ Nhĩ Kỳ?

Chuyển động 24h-Thứ sáu, ngày 28/05/2021 13:04 GMT+7

VTV.vn - Trùm tội phạm Sedat Peker đã đăng video lên mạng xã hội, làm rung chuyển chính trường Thổ Nhĩ Kỳ bằng những cáo buộc chấn động.

Trùm tội phạm làm rung chuyển chính trường Thổ Nhĩ Kỳ

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong những ngày qua, có một từ khóa thu hút cả triệu lượt tìm kiếm. Đó không phải cuộc chiến ở Dải Gaza, không phải thông tin về đội tuyển bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị tham dự Euro, mà là tên của trùm tội phạm khét tiếng Sedat Peker.

Trùm tội phạm này bị kết án tại Thổ Nhĩ Kỳ và đang sống lưu vong. Nhiều ngày trở lại đây, đối tượng này đã đăng hàng loạt video lên mạng xã hội với nội dung công kích các thành viên Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, cáo buộc họ với nhiều tội danh từ ám sát, tham nhũng, buôn ma túy..., công kích nhưng lại không có bằng chứng xác thực.

Dù chỉ là những đoạn video của một trùm tội phạm nhưng chúng đang có nguy cơ đe dọa Chính phủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Nguyên nhân là do những video này đã kích động làn sóng chỉ trích gay gắt từ các đảng đối lập, 7 video của Sedat thu hút tới 56 triệu lượt xem trên YouTube, con số có thể cạnh tranh với bất kỳ serie phim ảnh ăn khách nào từng được chiếu tại quốc gia này. Khán giả trẻ không bỏ lỡ những thông tin mới mà Sedat tung ra, tuy nhiên họ ngờ vực nhiều hơn là tin tưởng.

Vì sao loạt video thu hút 56 triệu lượt xem làm rung chuyển chính trường Thổ Nhĩ Kỳ? - Ảnh 1.

Sedat Peker sau khi ra tù ở Istanbul vào tháng 3/2014. (Ảnh: Getty Images)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã bác bỏ cáo buộc mà trùm băng đảng Sedat Peker nhằm vào các quan chức hàng đầu trong nội các nước này. Ông Erdogan khẳng định sẽ khiến kẻ tung tin phải chịu trách nhiệm.

Sedat Peker là trùm tội phạm, có lý lịch bất hảo, nhưng vì sao những video do đối tượng này tung ra lại hút người xem như vậy? Lý giải của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, những bê bối hậu trường luôn là chủ đề công chúng quan tâm. Cũng giống sự tích về chiếc hộp Pandora, sự tò mò là bản tính của con người. Ở góc độ này, đối tượng đã đánh trúng tâm lý đám đông, nhất là trong bối cảnh đại dịch khiến mọi người bị kẹt ở nhà nhiều hơn, xem mạng xã hội nhiều hơn và dễ bị cuốn vào những luồng thông tin tiêu cực gây tranh cãi.

Belarus thông tin về mối đe dọa đánh bom máy bay Ryanair

Một câu chuyện quốc tế khác với nhiều ẩn số và rất thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày qua là vụ máy bay chở 100 hành khách của hãng hàng không Ryanair trên hành trình đến Litva đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay thủ đô Minsk của Belarus sau khi có cảnh báo nổ bom. Trong quá trình kiểm tra, nhà chức trách nước này đã phát hiện và bắt giữ một nhân vật tư tưởng cực đoan bị cáo buộc vi phạm luật pháp Belarus.

Vụ việc đã làm bùng phát những căng thẳng ngoại giao giữa Belarus và các nước phương Tây, dẫn đến một loạt biện pháp trừng phạt hàng không và đầu tư. Mấu chốt tranh cãi giữa các bên hiện nay là vì sao máy bay phải hạ cánh. Giới chức Belarus đã công bố câu trả lời, khẳng định tuân thủ quy định hàng không quốc tế.

Khi chỉ còn cách biên giới Litva 2 phút, máy bay của hãng hàng không Ryanair phải đổi hướng vì cảnh báo có bom. Bộ Giao thông vận tải Belarus cho biết, sân bay Minsk đã nhận được thư điện tử đe dọa sẽ cho nổ máy bay nếu các yêu cầu đưa ra không được thực hiện. Và để bảo vệ an toàn cho các hành khách, bộ phận kiểm soát không lưu đã buộc phải thông báo điều này với phi công.

Vì sao loạt video thu hút 56 triệu lượt xem làm rung chuyển chính trường Thổ Nhĩ Kỳ? - Ảnh 2.

Vụ việc đã làm bùng phát những căng thẳng ngoại giao giữa Belarus và các nước phương Tây. (Ảnh: AP)

Theo Cơ quan Hàng không quốc gia Belarus, bản ghi âm buồng lái được công bố cho thấy, phi công đã quyết định và yêu cầu hạ cánh xuống sân bay Minsk. Còn trạm kiểm soát không lưu chỉ "khuyến nghị" phi hành đoàn của máy bay trên, không phải đe dọa buộc hạ cánh.

Công việc kiểm tra máy bay sau khi hạ cánh đã không phát hiện được vật thể khả nghi như lời đe dọa. Tuy nhiên, giới chức Belarus đã phát hiện trong danh sách hành khách có Roman Protasevich, người đã bị cáo buộc một loạt tội danh, trong đó có tổ chức các cuộc bạo động quy mô lớn. Cơ quan bảo vệ pháp luật Belarus đã bắt giữ nhân vật này.

Nhà chức trách Belarus cũng đã công bố nội dung bức thư điện tử đe dọa đánh bom được gửi đến email của sân bay Minsk, yêu cầu ngừng bắn ở Dải Gaza và EU ngừng hỗ trợ Israel.

Cựu Chủ tịch Nissan và cuộc đào tẩu ly kỳ ra khỏi Nhật Bản

Liên quan đến các cuộc đào thoát bằng đường hàng không, nhiều người hẳn còn nhớ vụ việc được ví là ly kỳ như phim Hollywood vào cuối năm 2019. Ông Carlos Ghosn, cựu Chủ tịch hãng xe Nissan khi đó đang tại ngoại chờ xét xử và bất ngờ trốn từ Nhật Bản sang Lebanon. Và tuần này, vụ việc lại được truyền thông làm nóng lên khi công bố những tiết lộ của người trong cuộc, ông Carlos Ghosn, với hãng tin AP.

Hãng Bloomberg cho biết, Carlos Ghosn đã tính toán kỹ đường bay để tránh khả năng bị yêu cầu hạ cánh và dẫn độ về Nhật Bản. Ông Ghosn thuê máy bay riêng, không bay thẳng mà chọn đường bay vòng lên phía Bắc.

Carlos Ghosn, 67 tuổi, từng lãnh đạo Nissan trong hai thập kỷ và tạo ra một trong những liên minh ô tô lớn nhất thế giới. Ghosn bị bắt tại Nhật Bản hồi tháng 11/2018 với cáo buộc gian lận tài chính. Nhân vật này bị tạm giam 130 ngày trước khi được bảo lãnh tại ngoại. Sau đó, Ghosn bất ngờ trốn khỏi Nhật Bản.

Vì sao loạt video thu hút 56 triệu lượt xem làm rung chuyển chính trường Thổ Nhĩ Kỳ? - Ảnh 3.

Ông Carlos Ghosn chụp ảnh trong cuộc phỏng vấn với AP ở Dbayeh, phía Bắc Beirut, Lebanon ngày 25/5/2021. (Ảnh: AP)

Ngày 29/12/2019, Carlos Ghosn rời nhà riêng trong bộ trang phục kín đáo, đeo khẩu trang và đội mũ. Bloomberg cho biết, lực lượng giám sát ông ta đã lơ là trong thời điểm lễ hội cuối năm.

Cựu Chủ tịch Nissan bắt chuyến tàu từ Toykyo đi Osaka và đến một khách sạn gần sân bay. Bloomberg cho rằng, ông Ghosn đã vượt qua hàng rào an ninh trót lọt nhờ chui vào bên trong một thùng để nhạc cụ. Kích cỡ thùng quá to nên không bị kiểm tra máy quét. Ngay sau đó, Ghosn và nhóm trợ giúp của ông ta lên máy bay riêng từ Nhật Bản, quá cảnh khoảng 45 phút để đổi máy bay tại Thổ Nhĩ Kỳ và đến Lebanon.

Hiện chưa rõ động cơ của việc Carlos Ghosn tự tiết lộ với báo chí những bí mật của vụ đào thoát này là gì. Nhật Bản chưa ký hiệp định dẫn độ với Lebanon và vẫn đang tìm cách dẫn độ Carlos Ghosn về Nhật thông qua Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol). Hiện nhân vật này nằm trong danh sách truy nã gắt gao nhất của Interpol.

Cựu Chủ tịch Nissan xuất hiện trong cuộc họp báo tại Lebanon Cựu Chủ tịch Nissan xuất hiện trong cuộc họp báo tại Lebanon Belarus buộc máy bay Ryanair chuyển hướng, cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh mẽ Belarus buộc máy bay Ryanair chuyển hướng, cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh mẽ Mỹ dẫn độ hai đối tượng giúp cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn trốn thoát khỏi Nhật Bản Mỹ dẫn độ hai đối tượng giúp cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn trốn thoát khỏi Nhật Bản

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước