Các bưu kiện viện trợ nhân đạo được thả từ máy bay quân sự xuống thành phố Gaza ngày 20/3/2014 (Ảnh: AFP)
Tình hình khủng hoảng nhân đạo ở Gaza hiện rất tồi tệ khi khoảng 2,2 triệu người của dải đất này đang đối mặt nguy cơ mất an ninh lương thực. Trước tình hình này, các nước đã tăng cường đưa hàng viện trợ vào Gaza thông qua nhiều con đường khác nhau.
Theo các quan chức Mỹ, các đợt thả hàng viện trợ không nhằm mục đích giải quyết toàn bộ cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza mà chỉ tạm thời mang lại một số nguồn cứu trợ cho người dân tại đây.
Ngoài ra, các thùng hàng viện trợ không phải lúc nào cũng rơi xuống các khu vực người dân có thể tiếp cận. Điều đáng quan ngại là các thùng viện trợ có thể rơi xuống khu vực hoạt động của các chiến binh Hamas.
Các đợt thả hàng viện trợ đôi khi cũng gây nguy hiểm cho dân thường trên mặt đất. Chính quyền Gaza cho biết ít nhất 5 người dân Gaza đã thiệt mạng và 10 người bị thương do bị thùng hàng viện trợ rơi đè vào ngày 8/3.
Vận chuyển hàng cứu trợ qua đường bộ vẫn được xem là cách thức tối ưu nhất (Ảnh: UN)
So với các phương thức vận chuyển khác, việc đưa hàng viện trợ vào Gaza bằng đường biển cũng có một số bất lợi.
Gaza hiện không còn cảng nào hoạt động. Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về lương thực Michael Fakhr tuần trước cho biết lực lượng Israel đã "tàn phá cảng Gaza", nằm ở khu vực gần quận Rimal của TP Gaza.
Trong khi đó, các cơ quan viện trợ nhân đạo cho rằng viện trợ bằng đường biển và hàng không không thể thay thế vận chuyển qua đường bộ.
Tuy nhiên, kể từ tháng 1, những người biểu tình ở Israel đã chặn lối qua cửa khẩu Kerem Shalom. Họ cho rằng Gaza không được phép nhận được viện trợ trong khi các con tin vẫn bị Hamas giữ.
Tuyên bố chung của 25 tổ chức phi chính phủ mới đây đã kêu gọi các chính phủ ưu tiên giải quyết vấn đề trên bộ và đạt được một thỏa thuận ngừng bắn nhằm mở thêm nhiều con đường cứu trợ vào Gaza.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!