Một phiên họp của Liên hợp quốc tại New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tuần lễ khắc phục hậu quả bom mìn năm nay được khai mạc với chủ đề "Hòa bình không đảm bảo an toàn".
Đoàn Việt Nam đã tham dự với tư cách khách mời của Liên hợp quốc.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, tới nay đã có hàng triệu quả mìn bị phá hủy và hàng nghìn km2 đất được dọn sạch. Tuy nhiên, thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm khi còn tàn dư hàng triệu bom mìn chưa nổ ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bà Melissa, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách truyền thông, phát biểu: "Tại hội nghị hôm nay, chúng tôi sẽ xem xét ba quốc gia bị ô nhiễm bom mìn nặng nhất tại Đông Nam Á, đó là Campuchia, Lào và Việt Nam. Bây giờ chúng ta cùng nghe xem những việc đã làm và những gì còn lại phải làm để trả lại sự an toàn cho các vùng đất này".
Đại diện đoàn Việt Nam cho biết, dù cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc đã trôi qua gần 50 năm nhưng bom mìn và các vật nổ còn sót lại vẫn nằm rải rác ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, trung bình mỗi năm vẫn cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người và hơn 1.300 người phải mang thương tật. Tại hội nghị, đại diện Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh thông điệp đoàn kết quốc tế là yếu tố quan trọng để khắc phục hậu quả bom mìn.
Rà tìm các vật liệu nổ bằng máy chuyên dụng tại vùng cát huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: TTXVN)
Thiếu tướng Trần Trung Hòa, Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, nói: "Chúng tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực của Việt Nam và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam sẽ sớm đạt được hiệu quả như mong đợi và thực hiện tốt phương châm không còn ai bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi khẳng định sẽ luôn là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh".
Trong Tuần lễ khắc phục hậu quả bom mìn, thông điệp đoàn kết quốc tế cũng được nhiều lãnh đạo Liên hợp quốc nhấn mạnh ngay từ khi sự kiện được khai mạc, coi nỗ lực toàn cầu là chìa khóa để cứu sống nhiều người khỏi hậu quả đáng sợ của bom mìn chưa nổ.
Hiện nay, tác động của bom mìn vẫn là vấn đề nhức nhối tại nhiều nước, nhiều khu vực, trong đó có Việt Nam. Việc tham gia tích cực vào các cơ chế song phương và đa phương đang giúp Việt Nam có thêm cơ hội để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đặc biệt là có thể tham gia đề xuất, xây dựng các cơ chế nhằm giải quyết tận gốc vấn đề bom mìn sau chiến tranh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!