Việt Nam tiếp tục ứng cử là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ

Đào Hà (Ban Truyền hình đối ngoại)-Thứ năm, ngày 25/02/2021 10:03 GMT+7

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh - Ảnh: VGP

VTV.vn - Sau thành công của lần đầu tiên tham gia Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Việt Nam tiếp tục ứng cử là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Ngày 22/2, tại Phiên họp cấp cao của Khóa họp thường kỳ lần thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) diễn ra theo hình thức trực tuyến, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu, thông báo về việc Việt Nam tham gia ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu: "Với mong muốn đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn nữa vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam đã ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam vinh dự được các nước ASEAN đồng thuận đề cử là ứng cử viên của ASEAN và chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên LHQ.

Là một thành viên tích cực của LHQ cũng như cộng đồng quốc tế, Việt Nam khẳng định thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, và luôn nỗ lực thúc đẩy phát triển quyền con người cả ở trong nước cũng như trên thế giới.

Việt Nam tin tưởng mạnh mẽ rằng bảo đảm cho xã hội an toàn trước các dịch bệnh như COVID-19 là cách tốt nhất để bảo đảm cho mỗi thành viên trong xã hội được thụ hưởng đầy đủ các quyền con người. Chúng tôi tiếp tục ưu tiên thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản của người dân, kể cả trong thời điểm khó khăn nhất hiện nay. Đại dịch cũng là cơ hội để thế giới xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, dựa trên khả năng thích ứng, sáng tạo, hợp tác và đoàn kết ở cả cấp độ địa phương, quốc gia và toàn cầu".

Để tìm hiểu cụ thể hơn sự chuẩn bị của Việt Nam, những thách thức cũng như ý nghĩa của việc Việt Nam tham gia ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, phóng viên Đài THVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Chí Thành, Phó Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao.

Vừa qua tại phiên họp cấp cao khóa họp thường kỳ lần thứ 46 của LHQ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thông báo về việc Việt Nam tham gia ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Xin ông cho biết thêm về sự kiện này?

Ông Trần Chí Thành - Phó Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao: Quyết định ứng cử này được cân nhắc ngay sau khi Việt Nam hoàn thành nhiệm kỳ tại Hội đồng Nhân quyền LHQ 2014-2016 và trên cơ sở đề xuất của Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan, tháng 7/2020, Thủ tướng quyết định Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền 2023-2025. Trên lĩnh vực thúc đẩy bảo vệ quyền con người, Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu, đảm bảo ứng phó với đại dịch COVID-19, đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân, chăm lo thúc đẩy quyền con người trên các lĩnh vực. Đây cũng là cơ sở để việc ứng cử của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ủng hộ thể hiện qua việc ngay trong những ngày đầu năm 2021, ASEAN đã chính thức công nhận Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của khối.

Được biết tháng 11/2013, Việt Nam đã trúng cử Hội đồng Nhân quyền và từ 1/2014 chính thức trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, ông đánh giá như thế nào về sự đóng góp của Việt Nam trong quá trình tham gia Hội đồng nhân quyền LHQ?

Ông Trần Chí Thành: Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Việt Nam được bầu với số phiếu cao thể hiện vị thế uy tín đất nước và cũng thể hiện sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế với sự tham gia của Việt Nam. Đáng mừng là trong 3 năm tham gia Hội đồng nhân quyền, chúng ta tham gia trách nhiệm, đầy đủ, có chất lượng vào các chương trình hoạt động của Hội đồng nhân quyền. Chúng ta có nhiều sáng kiến, tham gia thúc đẩy quyền con người được bạn bè quốc tế quan tâm ủng hộ như: thúc đẩy quyền nhóm yếu thế, chống biến đổi khí hậu được Hội đồng nhân quyền đồng thuận, với hơn 100 nước đồng thuận. Đấy là thành tích mà không phải nước nào lần đầu tham gia Hội đồng nhân quyền cũng làm được. Việt Nam cũng là nước điều phối của ASEAN ở Hội đồng nhân quyền. Trong 2014, Việt Nam hoàn thành cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 2 của Hội đồng nhân quyền.

Những thách thức với Việt Nam trong lần tham gia ứng cử Hội đồng nhân quyền LHQ lần này có khác biệt gì so với lần đầu tiên?

Ông Trần Chí Thành: Sự quan tâm và coi trọng của Hội đồng nhân quyền của các nước càng ngày càng lớn, cho nên sự cạnh tranh khi ứng cử vào Hội đồng nhân quyền rất lớn. Thứ hai là cần có thể hiện bước tiến trong thúc đẩy quyền con người cả chính sách cả thực tiễn. Bên cạnh đó chúng ta cũng phải thể hiện năng lực và tham gia đề xuất sáng kiến, giải pháp, thúc đẩy thực hiện giải pháp trong các vấn đề về quyền con người trong khu vực và trên thế giới.

Ông cho biết việc lần thứ hai chúng ta ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ có ý nghĩa như thế nào với vai trò của Việt Nam ở LHQ cũng như lợi ích của Việt Nam?

Ông Trần Chí Thành: Trước hết đó là cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường vị thế, uy tín đất nước và tăng cường quan hệ với các nước. Qua đó chúng ta chủ động đấu tranh với những hành vi lợi dụng hoạt động quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước trong đó có thể có Việt Nam. Đó cũng là cách chúng ta bảo vệ lợi ích của đất nước từ sớm.

Việt Nam đã tham gia hàng trăm cuộc họp Hội đồng Nhân quyền LHQ Việt Nam đã tham gia hàng trăm cuộc họp Hội đồng Nhân quyền LHQ

VTV.vn - Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao khóa 31 Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Thụy Sĩ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước