Vấn đề tiêm phòng cho trẻ em nên được xem xét và thảo luận ở cấp độ quốc gia. (Ảnh: AP)
Phát biểu tại họp báo, Giám đốc WHO tại khu vực châu Âu Hans Kluge khẳng định, việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 nên là lựa chọn cuối cùng và chỉ nên áp dụng khi tất cả các phương án khác nhằm tăng tỷ lệ tiêm phòng không còn tác dụng. Theo ông Kluge, mặc dù quy định bắt buộc tiêm phòng đã giúp tăng tỷ lệ tiêm vaccine trong một số trường hợp nhưng điều này còn phụ thuộc vào bối cảnh. Các nước cần xem xét tác động của chính sách bắt buộc tiêm phòng đối với lòng tin của người dân.
Hiện số ca mắc COVID-19 đã tăng ở tất cả các nhóm độ tuổi với tỷ lệ cao nhất nằm trong nhóm các em từ 4-15 tuổi, cao gấp 2 - 3 lần so với tỷ lệ ở trung bình. Ông Kluge nhận định, việc tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ em tăng 2 - 3 lần so với tỷ lệ lây nhiễm trung bình trong dân số đã không còn là diễn biến bất thường. Tuy nhiên, các rủi ro y tế đã không còn dừng ở nhóm trẻ em bởi các em có thể lây nhiễm virus sang cho người thân trong gia đình.
Theo WHO, cần tăng cường bảo vệ trẻ em trước đại dịch COVID-19. (Ảnh: AP)
Theo ông Kluge, việc cải thiện lưu thông không khí và sử dụng khẩu trang nên trở thành tiêu chuẩn tại tất cả các trường tiểu học nhằm đảm bảo môi trường học tập an toàn, tránh nguy cơ phải đóng cửa các trường học hay tổ chức học trực tuyến. Ông nhấn mạnh, vấn đề tiêm phòng cho trẻ em nên được xem xét và thảo luận ở cấp độ quốc gia.
Cùng ngày, người phát ngôn của WHO Margaret Harris cho biết, trong tuần này, nhóm chuyên gia độc lập của WHO sẽ xem xét các bằng chứng về việc sử dụng kết hợp nhiều loại vaccine ngừa COVID-19, cũng như đưa ra khuyến nghị về việc liệu nên tiêm phòng một hay hai mũi vaccine COVID-19 do Johnson & Johnson sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!