Đây là nhận định do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra vào ngày 6/1.
Janet Diaz, người đứng đầu WHO về quản lý lâm sàng, cho biết, các nghiên cứu ban đầu cho thấy, nguy cơ nhập viện từ biến thể Omicron được xác định lần đầu tiên ở Nam Phi và Hong Kong (Trung Quốc) vào tháng 11/2021 giảm so với biến chủng Delta.
Bà Janet Diaz nói trong một cuộc họp báo từ trụ sở WHO tại Geneve (Thụy Sĩ), biến thể Omicron cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ở cả người trẻ và người lớn tuổi.
Nhận định về việc biến thể Omicron giảm nguy cơ mắc bệnh trầm trọng phù hợp với các dữ liệu khác, bao gồm những nghiên cứu từ Nam Phi và Anh, mặc dù bà Diaz không cung cấp thêm chi tiết về các nghiên cứu hoặc độ tuổi của những trường hợp được phân tích.
Tác động đối với người cao tuổi là một trong những câu hỏi lớn chưa có câu trả lời liên quan đến biến thể mới vì hầu hết các trường hợp được nghiên cứu cho đến nay là ở những người trẻ tuổi.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Mặc dù Omicron có vẻ ít nghiêm trọng hơn so với Delta, đặc biệt là ở những người được tiêm chủng, nhưng điều đó không có nghĩa là nó nên được phân loại là "nhẹ". Giống như các biến thể trước đó, Omicron cũng khiến người mắc phải nhập viện và gây chết người".
Ông cảnh báo về một "cơn sóng thần" COVID-19 khi số ca nhiễm bệnh trên toàn cầu tăng cao đến mức kỷ lục được thúc đẩy bởi cả hai biến thể Omicron và Delta. Hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải và các chính phủ phải vật lộn để kiềm chế loại virus đã khiến hơn 5,8 triệu người tử vong này.
Xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 khi biến thể Omicron tiếp tục lây lan ở quận Queens, New York, Mỹ ngày 23/12/2021. (Ảnh: Reuters)
Tổng Giám đốc WHO đã nhắc lại lời kêu gọi của mình về sự công bằng lớn hơn trên toàn cầu trong việc phân phối và tiếp cận vaccine COVID-19.
Dựa trên tốc độ triển khai vaccine hiện tại, 109 quốc gia sẽ không đạt mục tiêu của WHO là 70% dân số thế giới được tiêm chủng đầy đủ vào tháng 7, ông Tedros nói thêm. Mục tiêu này được coi là giúp chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch.
Ông nói: "Việc mũi vaccine tăng cường được tiêm ở một số quốc gia sẽ không giúp kết thúc đại dịch trong khi hàng tỷ người vẫn hoàn toàn không được bảo vệ (bởi vaccine)".
Cố vấn của WHO, ông Bruce Aylward cho biết, 36 quốc gia thậm chí chưa đạt tỷ lệ 10% dân số được tiêm chủng. Trong số những bệnh nhân nặng trên toàn thế giới, 80% không được tiêm chủng.
Trong báo cáo dịch tễ học hàng tuần vào ngày 6/1, WHO cho biết, số trường hợp mắc COVID-19 đã tăng 71%, tương đương 9,5 triệu ca, trong tuần tính đến ngày 2/1 so với một tuần trước đó, trong khi số ca tử vong giảm 10%, tương đương 41.000 người.
Bà Maria van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, cho biết, một biến thể khác B.1.640 lần đầu tiên được ghi nhận ở nhiều quốc gia vào tháng 9/2021 nằm trong danh sách những biến thể đang được WHO giám sát nhưng không được lưu hành rộng rãi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!