Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam ủng hộ các sáng kiến của Thái Lan, nước đang giữ vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm nay, nhằm giúp Cộng đồng ASEAN với gần 650 triệu dân có thể vượt qua được những thách thức đang ở phía trước.
Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng nước chủ nhà Prayuth Chanocha nhắc lại 52 năm trước đây các Bộ trưởng Ngoại giao của 5 nước ASEAN ký Tuyên bố Bangkok thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, phản ánh 5 nước Đông Nam Á nhỏ bé dám ước mơ mà giờ đây đã là 10 nước. ASEAN có được như ngày này là vì các nhà lãnh đạo thế hệ trước đã dám ước mơ xây dựng một cộng đồng thống nhất trong hòa bình, an ninh, hợp tác và là một cộng đồng dựa trên luật lệ, giờ đây là nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nhấn mạnh trong suốt quá trình phát triển, ASEAN đã chứng tỏ là một nhân tố quan trọng giúp các nước thành viên phục hồi nhanh chóng khi đối mặt với nhiều thách thức như khủng hoảng tài chính, thiên tai, bão lũ... để hiện nay, ASEAN là khu vực sống trong hòa bình, không có xung đột, các nước tôn trọng sự khác biệt của nhau.
Thủ tướng Thái Lan khẳng định với chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác vì sự bền vững", ASEAN thể hiện ước mơ tiến tới một Cộng đồng hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau; đồng thời duy trì hòa bình, ổn định và hướng tới tương lai, thúc đẩy kết nối trong mọi lĩnh vực, tiến tới một ASEAN không rào cản.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha khẳng định thông điệp chính Thái Lan muốn phát đi là xây dựng một ASEAN bền vững mọi mặt từ an ninh kinh tế, an ninh con người theo khái niệm "vạn vật bền vững" và coi đây như một ADN của ASEAN để tiếp tục truyền lại cho các thế hệ sau.
Để phát triển bền vững về mọi mặt, đầu tiên là trước thiên tai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo ASEAN đã khai trương Kho vệ tinh ASEAN tại tỉnh Chai Nát của Thái Lan, trong chương trình hậu cần ASEAN về thiên tai khẩn cấp. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí cần tăng cường ứng phó với rác thải trên đất liền và rác thải biển, nhất là sau khi một số nước phát triển đẩy chất thải sang các nước đang phát triển, trong đó có các nước ASEAN. Do đó, các nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố Bangkok về Chống rác thải biển.
Để trở nên tự cường và giảm phụ thuộc vào các nước bên ngoài, các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí cần xây dựng một ASEAN không có rào cản, thông qua tăng cường thương mại nội khối và đa dạng hóa đối tác. Theo đó các nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy để kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực vào cuối năm nay. Đây cũng là một trong các đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị lần này.
Để tăng cường sức đề kháng của ASEAN trước xu thế cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn trong khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thông qua Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đây là định hướng để Việt Nam và các ASEAN có cách ứng xử phù hợp trước chiến lược mới đối với các nước nằm ở khu vực này.
Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp. Những quan điểm và sự đóng góp của Việt Nam vào sự thành công của hội nghị này sẽ góp phần thắt chặt và củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN; phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội để ứng phó có hiệu quả với những thách thức từ bên ngoài cũng như trong tiến trình xây dựng Cộng đồng để từ đó bảo vệ hiệu quả các lợi ích của Việt Nam cũng như của các nước ASEAN, nhất là vào cuối năm nay, Việt Nam sẽ nhận trách nhiệm chuyển giao Chủ tịch ASEAN 2020 từ Thái Lan, để tiếp tục dẫn dắt tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!