Nhiều người dân Ấn Độ có thu nhập cao đang sẵn sàng chi ra một khoản tiền lớn để thử các sản phẩm thay thế thịt động vật. Các doanh nghiệp nước này cũng đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng mới.
Thời gian gần đây, cô Pareen Sachdeva đã thay đổi thói quen mua sắm hàng ngày. Nữ sinh viên này đang theo đuổi chế độ ăn thuần chay. Vì vậy, thay vì mua thịt động vật, giờ đây cô chuyển sang mua các sản phẩm thay thế được làm từ đậu Hà Lan, đậu và hạt.
Ấn Độ là một trong những nước xuất khẩu thịt lớn nhất thế giới, đứng thứ tư toàn cầu về xuất khẩu thịt bò. Tuy nhiên ngành công nghiệp sản xuất thịt của nước này đang tác động xấu tới môi trường.
Chỉ tính riêng việc vỗ béo trâu để lấy thịt cũng tạo ra khoảng 200 triệu tấn CO2 mỗi năm. Đó là lý do vì sao cô Pareen và nhiều người dân Ấn Độ có ý thức bảo vệ môi trường và động vật đã quyết định bỏ thịt khỏi chế độ ăn của mình.
Xuất phát từ nhu cầu của người dân, nhiều công ty trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm thay thế thịt hay thịt nhân tạo đã ra đời tại Ấn Độ. Nhiều trong số này tập trung tại thành phố Mumbai.
Nhà máy của công ty Blue Tribe Foods đang sản xuất xúc xích làm từ thực vật và thịt viên làm từ đậu nành. Đến nay, những sản phẩm này đã có mặt trên các kệ hàng ở khoảng 30 thành phố trên khắp Ấn Độ.
Ông Sohil Wazir - Đại diện công ty thực phẩm Blue Tribe Foods, Ấn Độ cho biết: "Về cơ bản, chúng tôi đang chiết xuất protein từ các loại thực vật chẳng hạn như đậu nành và sau đó cố gắng làm sao để khiến cho sản phẩm có kết cấu và tạo cảm giác giống như bạn đang ăn thịt động vật vậy".
Tuy nhiên giá thành của những sản phẩm này vẫn đắt hơn nhiều so với thịt động vật, đây là một hạn chế lớn. Ông Souma Bhowmick - Tổ chức Tư vấn Observer Research nói: "Tôi chỉ có thể ăn các món thuần chay khi tôi giàu có vì giá thành của những sản phẩm này rất đắt đỏ".
Đa phần chỉ những người thuộc tầng lớp thu nhập trên trung bình, những người trẻ và sống tại khu vực thành thị mới có khả năng mua những sản phẩm này. Một hạn chế khác là hương vị của các sản phẩm thay thế thịt vẫn khác so với thịt động vật. Và để khắc phục hạn chế này, một giải pháp được đưa ra là tạo ra thịt nhân tạo trong phòng thí nghiệm.
Hai năm trước, anh Manvati đã thành lập một công ty Clear Meat, có trụ sở gần New Delhi để làm điều này. "Nhà máy này giúp giải bài toán giá cả và những thách thức về hương vị. Các sản phẩm thịt nhân tạo được tạo ra trong phòng thí nghiệm sẽ đảm bảo được mùi vị cũng như kết cấu".
Theo công ty Clear Meat, việc tạo ra thịt trong phòng thí nghiệm sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính. Hiện nhiều nghiên cứu về quy trình làm thịt nhân tạo trong phòng thí nghiệm vẫn đang được công ty tiến hành. Anh Manvati hy vọng các sản phẩm của công ty sẽ được bày bán rộng rãi trên thị trường Ấn Độ trong 2 năm tới.
Khi đó, những khách hàng như cô Sachdeva sẽ yên tâm thưởng thức thịt nhân tạo từ động vật mà không phải lo gây hại tới động vật cũng như môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!