Xung đột Israel - Hamas leo thang có thể gây gián đoạn nguồn cung dầu ở Trung Đông

Quỳnh Chi (Theo RT)-Chủ nhật, ngày 22/10/2023 17:19 GMT+7

Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9, ở thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Getty Images)

VTV.vn - Thủ tướng Iraq cảnh báo, cuộc chiến Israel - Hamas có thể dẫn đến sự gián đoạn trong xuất khẩu dầu thô.

Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani cảnh báo rằng nguồn cung dầu ở Trung Đông cho thị trường quốc tế có thể bị gián đoạn nếu xung đột Israel - Hamas leo thang đến mức lôi kéo các nước khác trong khu vực.

Cuộc xung đột sẽ "tác động đến an ninh toàn cầu, leo thang xung đột trong khu vực, gây nguy hiểm cho nguồn cung cấp năng lượng, làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng kinh tế và tạo ra thêm xung đột", hãng tin AP dẫn lời Thủ tướng al-Sudani hôm 21/10 tại Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình Cairo.

Ông al-Sudani kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và trao đổi tù nhân để chấm dứt đổ máu. Ông lập luận chống lại việc đưa dân thường ra khỏi Dải Gaza trong bối cảnh Israel ném bom, nói rằng, "người Palestine không có nơi nào khác ngoài vùng đất của họ".

Thủ tướng Iraq cho rằng cuộc khủng hoảng tại Dải Gaza có thể đã được ngăn chặn nếu các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chống lại chính sách định cư của Israel trên lãnh thổ Palestine được tôn trọng. Tuy nhiên, Israel đã dỡ bỏ các khu định cư ở Gaza vào năm 2005.

Hamas đã kiểm soát Gaza từ năm 2006 và không có cuộc bầu cử mới nào được tổ chức trên vùng lãnh thổ này kể từ đó.

Cảnh báo của ông al-Sudani được đưa ra trong bối cảnh lo ngại rằng các nước Trung Đông có thể cắt giảm xuất khẩu dầu sang các nước phương Tây để đáp trả cuộc tấn công trên bộ tiềm tàng của Israel ở Gaza. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian hôm 19/10 đã làm thị trường năng lượng "sôi sục" khi ông kêu gọi các nước Hồi giáo áp đặt lệnh cấm vận dầu "ngay lập tức và toàn diện" đối với Israel.

Lệnh cấm vận dầu mỏ của Arab vào năm 1973 đối với Mỹ và các quốc gia khác ủng hộ Israel đã dẫn đến tình trạng xếp hàng dài tại các máy bơm xăng và gây ra tác động kinh tế nghiêm trọng. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 12% lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Đông vào năm 2022, giảm từ mức khoảng 85% vào những năm 1970.

Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế Fatih Birol nói với AP rằng thị trường dầu mỏ quốc tế vẫn không ổn định và cuộc chiến Israel - Hamas có thể đẩy giá lên cao hơn, "đó chắc chắn là tin xấu đối với tình hình lạm phát hiện nay". Ông Birol cho biết, các nước đang phát triển dựa vào dầu thô và sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu sẽ bị tổn thương nặng nề nhất.

Dầu thô Brent hiện đang được giao dịch ở mức khoảng 93 USD/thùng, tăng từ mức 85 USD trước khi phiến quân Hamas giết chết hàng trăm thường dân Israel và bắt hàng trăm người khác làm con tin vào ngày 7/10.

Hamas được hậu thuẫn bởi Iran, quốc gia được xếp là nước sản xuất dầu lớn thứ 8 thế giới. Ngay cả khi không có sự hỗ trợ từ các nhà xuất khẩu lớn khác cho lệnh cấm vận, Tehran vẫn có khả năng gây gián đoạn đáng kể thị trường. Khoảng 1/3 số chuyến hàng dầu bằng đường biển của thế giới đi qua eo biển Hormuz, nối vịnh Ba Tư với vịnh Oman và biển Arab.

Xung đột Israel - Hamas có thể đẩy giá dầu tăng cao Xung đột Israel - Hamas có thể đẩy giá dầu tăng cao

VTV.vn - Giá dầu đang chịu tác động mạnh từ cuộc xung đột tại Trung Đông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước