Hàng loạt diễn biến mới thời gian qua trong vấn đề Nga - Ukraine, giới phân tích nhận định xung đột đã bước sang một giai đoạn mới, hướng tới các trật tự mới.
Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 24/2 năm nay, khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, chiến dịch dồn dập trong những ngày đầu, nhưng đã không chớp nhoáng tiến vào Kiev.
Giai đoạn 2 bắt đầu với việc quân đội Nga chiếm ưu thế mạnh ở các khu vực phía Đông Ukraine vào tháng 6. Phía Đông và Nam Ukraine sau đó trở thành điểm nóng chiến sự, với việc Ukraine quyết liệt phản công.
Động thái huy động thêm quân đội của Nga vừa qua được cho là đánh dấu bắt đầu giai đoạn 3 của xung đột. Việc 4 khu vực thuộc Ukraine là Donetsk, Lugansk, Zaporoze và Kherson tiến hành trưng cầu dân ý, mong muốn sáp nhập vào Nga, cùng với việc ngay sau đó, quân đội Ukraine tuyên bố kiểm soát lại Lyman, thành phố chiến lược - trung tâm hậu cần của quân đội Nga, những diễn biến mới được đánh giá sẽ khiến xung đột ngày càng khó lường, căng thẳng.
Trên các diễn đàn đối ngoại gần đây, Nga tiến hành thúc đẩy quá trình kiến tạo một trật tự thế giới mới, cân bằng hơn, thay vì một trật tự cũ đơn cực do phương Tây dẫn dắt. Trong một bài phát biểu dài đưa ra hôm 30/9, Tổng thống Putin một lần nữa tập trung nhắc về một giai đoạn hoàn toàn mới của trật tự quyền lực và chính trị toàn cầu.
Một giai đoạn mới của xung đột bắt đầu?
Rất nhiều diễn biến mới cả trên chiến trường và về mặt chính trị, khiến giới phân tích không khỏi lo lắng về tương lai vấn đề Nga - Ukraine. Một giai đoạn mới của xung đột có phải đã bắt đầu, căng thẳng liệu có gia tăng, hay diễn biến sẽ đi theo hướng nào?
Theo giới phân tích, việc Nga triển khai lệnh động viên một phần với số lượng công bố là 300 nghìn quân dự bị đã đánh dấu sự bắt đầu của một giai đoạn mới trong xung đột với Ukraine. Và giai đoạn mới này - giai đoạn 3 - được củng cố khi Nga xúc tiến sáp nhập 4 khu vực ly khai ở miền Nam và miền Đông Ukraine và đặt ra nhiệm vụ giữ vững lãnh thổ mới.
Với động thái này, Nga có thể tuyên bố bất cứ cuộc phản công nào của Ukraine là sự xâm chiếm lãnh thổ, và Ukraine sẽ bị đẩy xa hơn khỏi mục tiêu tái chiếm Donbass. Ở giai đoạn này, cục diện cuộc chiến đang có nhiều thay đổi và sẽ còn những diễn biến căng thẳng hơn khi Nga không đối đầu với Ukraine mà đang đối đầu với Mỹ và phương Tây. Và từ đây, Nga cũng đang thúc đẩy quá trình xây dựng một trật tự thế giới mới thoát khỏi sự chi phối của phương Tây.
Phương Tây cảnh báo hậu quả của vũ khí hạt nhân
Trong bối cảnh dồn dập diễn biến mới, căng thẳng đẩy cao, phương Tây gần đây liên tiếp có các cảnh báo về vấn đề hạt nhân, không ngại nhắc tới những hậu quả nghiêm trọng, nếu như vũ khí hạt nhân được sử dụng trên chiến trường Ukraine.
Ông Jens Stoltenberg - Tổng Thư ký NATO: "Những diễn biến gần đây cho thấy sự leo thang nghiêm trọng nhất của xung đột, kể từ khi nổ ra tháng 2 năm nay. Bất cứ tuyên bố nào về hạt nhân lúc này đều là nguy hiểm và liều lĩnh".
Ông Jake Sullivan - Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ: "Hiện tại, chúng tôi không thấy dấu hiệu của việc sắp sử dụng vũ khí hạt nhân, Mỹ vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ vấn đề này. Chúng tôi đã có những liên lạc qua kênh cấp cao tới Kremlin và làm rõ việc sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu bất cứ loại vũ khí hạt nhân nào bị sử dụng tại Ukraine".
Các phản ứng và lo ngại của phương Tây theo sau một số tuyên bố từ Nga, ví dụ như hôm 21/1 Tổng thống Putin nói "Nga có thể dùng mọi công cụ sẵn có, kể cả các loại ‘vũ khí với mức độ hủy diệt khác nhau’, để bảo vệ ‘toàn vẹn lãnh thổ’.
Không thể không có lo ngại khi nhiều chuyên gia cũng phải thừa nhận không có giai đoạn nào của Chiến tranh Lạnh trước và sau tháng 10 năm 1962 lại đưa thế giới đến gần nguy cơ chiến tranh hạt nhân như hiện nay. Kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga vẫn là phương tiện răn đe hiệu quả đối với kẻ thù tiềm tàng.
Ít nhất thì cho đến nay, Nga đã ngăn cản Mỹ và NATO tham gia quân sự trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, không thể trông chờ vào sự răn đe lẫn nhau trong một thời gian dài. Các cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea và có khả năng đến các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý không được Ukraine và phương Tây công nhận - đây là ‘ngòi nổ’ có thể đoán trước được sự leo thang nguy hiểm của xung đột. Dù giới lãnh đạo Nga không ít lần cảnh báo về khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt thì Điện Kremly cho đến nay vẫn khẳng định việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga sẽ dựa trên các tiêu chí trong ‘học thuyết hạt nhân’ và Nga chọn cách tiếp cận cân bằng.
Học thuyết hạt nhân, chính là sắc lệnh về chính sách răn đe hạt nhân của Nga, được Tổng thống Putin ký ngày 2/6/2020. Chính sách răn đe này cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân để phản ứng các cuộc tấn công trong các trường hợp. Về nguyên tắc cơ bản trong chính sách răn đe được Tổng thống Putin ký, có thể có 4 kịch bản dẫn tới khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Chính sách răn đe hạt nhân của Nga được mô tả ‘về bản chất là phòng thủ’ và được thiết kế nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!