Các số liệu kinh tế yếu và nỗi lo suy thoái đang đè nặng lên giá dầu. Sự chững lại của kinh tế Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đã và sẽ tiếp tục tác động lớn đến giá dầu. Nền kinh tế nước này đã bất ngờ chậm lại trong tháng 7 do chính sách không COVID. Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đối mặt với nguy cơ suy thoái và giảm nhu cầu năng lượng với những đợt tăng lãi suất sắp tới. Bên cạnh lo ngại về suy thoái kinh tế, đợt cao điểm tiêu thụ xăng dầu vào mùa hè cũng sắp kết thúc.
Và một yếu tố quan trọng nữa là thị trường dầu mỏ thời gian qua chứng kiến các tín hiệu cho thấy sẽ có thêm nguồn cung từ Libya, Brazil, Mỹ và có thể là Iran nếu nước này và các cường quốc khôi phục thành công thỏa thuận hạt nhân.
Saudi Arabia và động thái mới về tăng sản lượng dầu
Nói đến việc nguồn cung toàn cầu đang dần tăng, không thể bỏ qua Saudi Arabia. Công ty Dầu mỏ Nhà nước Saudi Arabia - Saudi Aramco mới đây cho biết họ hoàn toàn có khả năng tăng sản lượng lên tới 12 triệu thùng/ngày vào bất cứ thời điểm nào. Tuyên bố chính thức này đang cho thấy tầm nhìn mới của nước này trong việc bình ổn thị trường dầu.
Sản lượng của quốc gia xuất khẩu dầu số 1 thế giới Saudi Arabia hiện là trên 10,6 triệu thùng/ngày. Xuyên suốt cơn khát dầu của thế giới thời gian qua, người ta vẫn nhắc tới Saudi Arabia như là quốc gia còn có khả năng đáng kể nhất để mở thêm van dầu chảy vào thị trường. Nhưng thực tế là thêm bao nhiêu thì không ai dám chắc cho tới những tuyên bố chính thức gần đây.
Theo đó, giám đốc điều hành của Công ty dầu mỏ Nhà nước Saudi Arabia Saudi Aramco Amin Nasser đã chính thức khẳng định ở thời điểm hiện tại họ hoàn toàn có khả năng tăng ngay lập lức sản lượng lên mức 12 triệu thùng/ngày. Việc tăng sản lượng sẽ chỉ được thực hiện nếu Saudi Aramco nhận được yêu cầu từ chính phủ hay nhận thấy một nhu cầu rõ ràng về nguồn cung, nhưng điều này đã giúp cả giá dầu Brent và WTI đi xuống ngay sau đó.
Chưa dừng lại, Saudi Aramco cũng đã đưa ra tuyên bố về tầm nhìn tăng hơn nữa sản lượng của họ, lên 13 triệu thùng/ngày trong thời gian tới với một kế hoạch khá rõ ràng. Theo đó, sản lượng của Saudi Arabia sẽ được tăng lên 12,3 triệu thùng/ngày vào năm 2025. Năm 2026 là 12,7 triệu thùng/ngày và 13 triệu thùng/ngày năm 2027. Các giếng dầu được huy động vào việc tăng sản lượng cũng đã được Riyad xác định cụ thể, sớm nhất là giếng dầu tại Dammam trong năm 2024 và muộn nhất là tại Safaniya năm 2027.
Đợt cao điểm tiêu thụ xăng dầu vào mùa hè sắp kết thúc.
Như vậy là gần đây, Saudi Arabia đã có những tuyên bố ngày càng cởi mở về khả năng tăng sản lượng dầu. Thay vì như trước đây, Riyadh hay các quốc gia Vùng Vịnh hoặc chủ yếu là im lặng, hoặc đưa ra những tuyên bố chung chung là OPEC còn rất ít sản lượng... Một động thái, theo nhiều trang báo không tự nhiên mà có.
Theo trang báo chuyên về thị trường năng lượng tại Trung Đông Attaqa, nó đến từ thực tế là các khảo sát gần đây đã cho thấy rõ sản lượng của các quốc gia trong OPEC+ đã bị mất vĩnh viễn khoảng 1,7 triệu thùng dầu/ngày so với trước đại dịch. Nhiều giếng dầu bị ngừng hoạt động trong một thời gian dài không còn khả năng hoạt động lại. Chính điều này khiến Saudi Arabia cảm thấy khó có thể ngồi yên. Khi OPEC+ không còn đủ sản lượng dầu để có thể bình ổn thị trường thì cũng có nghĩa là họ đang tự đánh mất đi tầm ảnh hưởng và vị thế. OPEC+ nếu vậy đứng trước nguy cơ trở thành một danh hiệu chỉ để làm cảnh mà thôi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!