Thế giới đã cảm nhận rõ rệt những ảnh hưởng mà Nga - một siêu cường về năng lượng tạo ra. Từ các vấn đề về năng lượng, khí đốt cho tới thực phẩm. Những ảnh hưởng này đang làm thay đổi và thúc đẩy một trật tự năng lượng mới của thế giới.
Liên minh châu Âu đã phản ứng bằng cách đẩy nhanh việc ngắt kết nối với đường ống khí đốt của Nga. Trong đó, Đức là quốc gia đi đầu trong những thay đổi này. Vài ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Thủ tướng Olaf Scholz của Đức đã tuyên bố ngừng triển khai đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (trị giá 11 tỷ USD), nối từ Vyborg của Nga, đi qua biển Baltic, đến Greifswald, Đức.
Ông Robert Habeck - Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức cho rằng: "Tôi chắc chắn nghĩ rằng tình hình hiện tại sẽ giúp cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở Đức và châu Âu. Mọi người thấy rằng bây giờ việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ là vấn đề liên quan đến khí hậu, mà còn là vấn đề liên quan đến an ninh hoặc an toàn năng lượng. Gió và mặt trời không thuộc về ai cả".
Trong khi đó, Mỹ thì cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga và đang tìm kiếm nguồn cung thay thế. Triển vọng về nguồn cung này chính là Venezuela - nơi có trữ lượng dầu thô lớn nhất được biết đến trên thế giới. Cuối tuần trước, một phái đoàn của Mỹ đã đến Venezuela và được Tổng thống Venezuela bật đèn xanh bằng cách cho biết sẵn sàng tăng sản lượng lên tới 3 triệu thùng/ngày.
Điện hạt nhân lại "lên ngôi" ở châu Âu
Điện hạt nhân bất ngờ quay trở lại vị trí trung tâm trong chính sách năng lượng trung hạn của các nước châu Âu. Liên minh châu Âu khủng hoảng năng lượng do lệ thuộc vào khí đốt từ Nga, nay buộc phải sửa đổi chính sách theo hướng giảm sử dụng khí đốt và dầu mỏ. Chưa thể trông chờ vào năng lượng tái tạo, lại không muốn lệ thuộc vào dầu khí nhập khẩu, châu Âu không thấy lựa chọn nào tốt hơn là điện hạt nhân. Cuối tuần trước, Vương quốc Bỉ đã quyết định chưa vội đóng cửa hai nhà máy điện nguyên tử.
Thủ tướng Bỉ Alexandre De Croo: "Điều quan trọng đối với người tiêu dùng của chúng ta là phải có điện và có điện với giá thấp. Chúng ta phải đảm bảo chắc chắn rằng, nguồn cung điện năng luôn luôn được duy trì trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chính vì vậy, chính phủ liên bang Vương quốc Bỉ quyết định gia hạn vận hành 2 lò phản ứng hạt nhân thêm 10 năm nữa".
Biến động địa chính trị lúc này thêm một lý do nữa củng cố vị thế của điện hạt nhân. Trước đó, từ khi biến đổi khí hậu trở thành vấn đề của toàn thế giới, điện hạt nhân đã không còn bị phản đối. Slovakia, Hungaria, Romania và Bulgaria muốn mở rộng các nhà máy điện hạt nhân hiện có. Phần Lan, Pháp và Cộng hòa Czech coi năng lượng nguyên tử là phương tiện để đạt được các mục tiêu khí hậu, bởi vì nhà máy điện hạt nhân không thải ra dioxide carbon.
Giáo sư Damien Ernst - Đại học Liège, Bỉ: "Hiện nay châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt so với 10 năm trước, bởi vì châu Âu đã từng muốn ngưng phát triển công nghiệp hạt nhân dân sự và thậm chí là loại bỏ điện hạt nhân một cách quá vội vàng. Trên thực tế, so với khí đốt hay than đá thì hạt nhân là một loại năng lượng xanh, có khả năng cung cấp năng lượng dồi dào mà lại không tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính".
Lúc này, 103 lò phản ứng hạt nhân thế hệ cũ vẫn đang hoạt động tại 13 nước thành viên Liên minh châu Âu, cung cấp 1/4 tổng sản lượng điện. Các nước châu Âu cho rằng, hạt nhân không phải là giải pháp lâu dài, nhưng lại rất phù hợp trong thời kỳ chuyển tiếp từ dầu khí sang năng lượng tái tạo. Thế hệ lò phản ứng hạt nhân mini, nhỏ tới mức có thể chuyên chở trên xe đầu kéo, an toàn hơn và linh hoạt hơn, đang được một số nước châu Âu tính đến trong chính sách năng lượng quốc gia.
Thủ tướng Anh thu hút đầu tư vào năng lượng sạch
Nếu như năng lượng điện hạt nhân đang quay trở lại, thì một loại hình năng lượng khác cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đó là các nguồn năng lượng tái tạo, được coi như một giải pháp "thoát dầu" của thế giới.
Những mảnh đất Vùng Vịnh dầu mỏ, từng một thời tránh nói về biến đổi khí hậu về năng lượng sạch. Nhưng nay thì đã tự tin hơn nhiều. Tự tin bởi như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất này trong dịp kỷ niệm nửa thế kỷ thành lập nước đã tuyên bố mục tiêu tới đây của mình sẽ là trở thành một quốc gia sản xuất năng lượng sạch hàng đầu của thế giới, chứ không còn quốc gia sản xuất dầu hàng đầu của thế giới nữa.
Dự kiến trong 3 thập kỷ tới, họ sẽ đầu tư khoảng 160 tỷ USD vào các dự án năng lượng sạch ở nhiều nơi trên thế giới. Các nước Tây Âu, vốn đi đầu về năng lượng sạch, nay cũng muốn đi cùng các nước Vùng Vịnh để tận dụng nguồn vốn khổng lồ của họ.
Anh là quốc gia có tầm ảnh hưởng đặc biệt đối với các quốc gia Vùng Vịnh. Do các yếu tố lịch sử và địa lý, nhiều chính sách phát triển của quốc gia Vùng Vịnh, trước đến nay vẫn được biết đến có vai trò không nhỏ của các bộ óc đến từ Anh. Chuyến thăm của Thủ tướng Anh vì thế được chờ đợi sẽ đưa ra được những tiếng nói có đủ sức nặng, thuyết phục các nước Vùng Vịnh đổ thêm dầu vào thị trường. Tuy nhiên, với Thủ tướng Boris Johnson, chuyến công du còn mang một mục tiêu đặc biệt khác.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: "Lý do của chuyến thăm không chỉ vì dầu mỏ, đây đều là những nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo hàng đầu tại Anh, đặc biệt vào các trang trại điện gió. Chúng tôi cần tăng gấp đôi quy mô điện gió hiện nay, dù Anh đã là một trong những quốc gia sản xuất điện gió hàng đầu trên thế giới".
Hồi cuối năm ngoái, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã quyết định đầu tư tới 14 tỷ USD vào ngành năng lượng tái tạo và công nghệ của Anh. Quỹ đầu tư Mubadala của các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đảm nhận khoản đầu tư vào Anh hiện có giá trị ước tính tới gần 300 tỷ USD. Trong khi đó, Saudi Arabia đã tuyên bố ngay một khoản đầu tư 1 tỷ USD vào lĩnh vực nhiên liệu xanh nhân chuyến thăm của Thủ tướng Boris Johnson.
Trung Đông phát triển năng lượng tái tạo
Như vậy, các nước vốn nổi tiếng là những giếng dầu của thế giới là nơi đã chuyển hướng tập trung vào phát triển các nguồn năng lượng khác, mà cụ thể là năng lượng tái tạo từ rất lâu.
Bản thân Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC vào năm ngoái cũng đã phải rút ngắn dự báo về thời điểm nhu cầu dầu của thế giới bắt đầu đi xuống. Theo họ thì từ năm 2035, thế giới sẽ sử dụng ngày càng ít dầu sớm hơn 5 năm so với các dự báo trước đó. Thực tế thời gian qua, thị trường dầu lâm vào cảnh thiếu hụt khi các nước đầu tư vào cơ sở khai thác không đủ để đáp ứng nhu cầu của thế giới.
Nguyên nhân của việc này cũng một phần chính là đến từ việc các nước xuất khẩu dầu bắt đầu điều chỉnh chính sách khai thác nhằm dần thích ứng một giai đoạn nhu cầu dầu đi xuống.
Các tập đoàn khai thác dầu hàng đầu thế giới chúng ta vẫn nghe thấy trước nay như Saudi Aramco hay ADNOC, nay lại đang tích cực đầu tư cho các dự án năng lượng sạch. Đáng chú với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, tập đoàn sản xuất năng lượng sạch số 1 của họ là Masdar mới đây đã liệt kê các địa điểm đầu tư hấp dẫn cho các dự án năng lượng sạch. Trong đó Việt Nam được nhắc tới, bên cạnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!