Ăn theo trào lưu mạng xã hội

Theo Thời Báo Kinh tế SG Online-Thứ năm, ngày 17/01/2013 12:00 GMT+7

 Nếu như 10 năm trước, cách kiếm tiền từ việc xây dựng cộng đồng trên Internet rồi thông qua đó bán quảng cáo hoặc bán thương hiệu trang web chỉ gói gọn ở các diễn đàn, trang web giải trí thì nay hình thức này đang được mở rộng ra với sự góp mặt của các mạng xã hội, những trang web thương mại điện tử…

Xây dựng cộng đồng: từ mạng xã hội đến chợ trực tuyến

Ngoài Facebook thì YouTube – mạng xã hội hình ảnh – cũng là nơi được những cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp lựa chọn để tạo fanpage nhằm thu hút cộng đồng cư dân mạng. Như trường hợp của cô Michelle Phan, người Mỹ gốc Việt, nổi tiếng qua các đoạn video (video clip) hướng dẫn cách trang điểm cho các cô bé vị thành niên được tải lên YouTube. Theo thống kê mới nhất từ YouTube Channel (tương tự như Fanpage trên Facebook) của Michelle Phan, hiện có 700 triệu lượt người đã xem các đoạn video của cô.

Rõ ràng, sự phổ biến của mạng xã hội cùng với cơ chế lan truyền cực nhanh của chúng đang lấn lướt các kênh truyền thông vốn được xem là “thời thượng” cách đây khoảng 10 năm là các diễn đàn trực tuyến (forum) hay trang web giải trí. Tuy nhiên, không vì thế mà các kênh truyền thông kể trên suy yếu. Bà Mai Hà, chuyên viên truyền thông xã hội của Golden Digital, nhận định rằng một chiến dịch truyền thông hoàn chỉnh là sự kết hợp của mạng xã hội, diễn đàn và các trang web. Theo bà Mai Hà, ở thị trường Việt Nam hiện nay, các kênh này vẫn đang hỗ trợ lẫn nhau hơn là cạnh tranh trực tiếp.

Tuy nhiên, cách thức xây dựng cộng đồng ở các kênh truyền thông đang có sự thay đổi. Theo đó, việc xây dựng diễn đàn, trang web nếu vẫn theo kiểu “dò đá qua sông” như trước kia sẽ khó trụ nổi trên thị trường. Thay vào đó cần có sự đầu tư bài bản, kiểm chứng về nội dung để khai thác những thị trường mới hoặc thị trường ngách. Một số trang web, diễn đàn đang vận hành theo tiêu chí này là bacsygiadinh.com, autopro.com.vn…

Sự nở rộ của mô hình bán hàng trực tuyến theo nhóm, hay còn gọi là mô hình Groupon, ở Việt Nam trong hai năm gần đây cũng góp phần tạo nên sự sôi động của trào lưu xây dựng nhóm, cộng đồng có cùng sở thích, quan điểm về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, trên thị trường cũng đã xuất hiện nhiều trang thương mại điện tử theo mô hình B2C (Business to Customer) được xây dựng và hiệu chỉnh gần giống với thiết kế của amazon.com.

Nhộn nhịp mua bán, chuyển nhượng

Có cung thì có cầu, mục đích của việc xây dựng cộng đồng trên các diễn đàn, mạng xã hội vẫn là tạo ra doanh thu, bằng cách bán quảng cáo hoặc đơn giản là cho thuê, chuyển nhượng, bán đứt fanpage đã có thương hiệu.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc tiếp thị trực tuyến của Mekong Communications Group, nói rằng so với cách đây một năm, các doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước đã quan tâm hơn đến fanpage trên Facebook. Lý do là các fanpage đang trở thành một công cụ giúp doanh nghiệp tiếp thị sản phẩm, dịch vụ đến với khách hàng nhanh hơn và với độ bao phủ rộng hơn.

Theo ghi nhận thực tế của Thời báo Vi tính Sài Gòn, hiện các chủ sở hữu fanpage trên các mạng xã hội thông tin (như Facebook, ZingMe) có hai cách thức kinh doanh phổ biến. Một là đăng các bài viết về sản phẩm, dịch vụ của một doanh nghiệp, nhãn hàng nào đó trên các fanpage với mức phí dao động từ 800.000 đến vài triệu đồng tùy vào mức độ thu hút của fanpage đó. Hai là bán số lượng người like, với giá từ 250 đồng đến 1.000 đồng/like. Các fanpage có vài chục ngàn thành viên trở lên là có thể kinh doanh theo cách thứ hai này.

Đối với YouTube Channel, theo một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến (không muốn nêu tên), chủ sở hữu có thể kinh doanh bằng cách nhúng những đường dẫn quảng cáo vào các đoạn video đạt từ 500.000 người xem trở lên, Google Adsense sẽ trả cho họ từ 500 đến 1.000 đồng cho mỗi lần nhấp chuột. Cách thứ hai là cho doanh nghiệp thuê một vị trí quảng cáo trên YouTube Channel. Như trường hợp của Michelle Phan, với cách tính đầu tiên, chỉ cần 10% trong hơn 700 triệu người xem nhấp chuột vào quảng cáo, cô đã kiếm được hơn 17 tỉ đồng trong hai năm qua.

Còn đối với các kênh truyền thông như diễn đàn, trang web thì nguồn thu chủ yếu đến từ quảng cáo trực tuyến, bài viết quảng cáo… Riêng với các trang thương mại điện tử, việc mua bán, chuyển nhượng diễn ra phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn. Cũng theo vị chuyên gia nói trên, do hạ tầng thanh toán chưa phổ biến cùng với nguồn lực có giới hạn, các doanh nghiệp lớn trên thế giới như Amazon chẳng hạn sẽ không đầu tư trực tiếp vào các nước đang phát triển mà sẽ mua lại những công ty có chung định hướng kinh doanh, có cộng đồng người sử dụng Internet sẵn sàng mua hàng và đội ngũ quản lý tốt. “Đổi lại, các doanh nghiệp Việt Nam đủ tiềm năng có thể chào với mức giá ít nhất là gấp 10 lần mức định giá công ty ban đầu”, ông nói.

Con đường lắm chông gai

Nhìn chung, từ các mạng xã hội cho đến trang thương mại điện tử đều có mục đích phát triển cộng đồng. Tuy nhiên, đã có sự phân hóa khá rõ ràng về phân khúc người tham gia. Theo đó, các kênh như diễn đàn, trang web và các trang thương mại điện tử là sân chơi của những công ty hoặc tổ chức mạnh về vốn lẫn đội ngũ nhân sự. Trong khi đó, các mạng xã hội được đánh giá là những sân chơi mang tính cởi mở hơn vì chi phí đầu tư ban đầu thấp. Nhưng không vì thế mà việc quảng bá, tiếp thị hàng hóa và dịch vụ trên các fanpage của mạng xã hội sẽ có hiệu quả hơn là trên các kênh truyền thông khác.

Như về trường hợp YouTube Channel chẳng hạn, bà Mai Hà của Golden Digital cho biết việc kiểm tra bản quyền ở đây được thực hiện rất chặt chẽ trong khi việc tự quay một đoạn video (video clip) dù đơn giản nhất cũng rất tốt kém. Ngoài ra, chủ sở hữu phải có kế hoạch đầu tư nội dung xuyên suốt mới thu hút được người xem. Đồng quan điểm với bà Hà, ông Trường của Mekong Communications cho rằng đã có nhiều trường hợp thành công với YouTube Channel nhưng phần lớn là ở nước ngoài, còn ở thị trường trong nước, kênh truyền thông này vẫn ở dạng tiềm năng.

Còn ở sân chơi fanpage trên Facebook, việc cạnh tranh còn diễn ra gay gắt hơn và không phải fanpage nào có đông người like cũng có lợi thế. Theo bà Hà, một trong những tiêu chí chọn Fanpage của doanh nghiệp là nội dung phải phù hợp với sản phẩm, dịch vụ của họ. Trong khi đó, phần lớn fanpage hiện nay được xây dựng nhờ vào những nội dung có sẵn trên Internet nên không có một định hướng rõ ràng, dẫn đến việc hợp tác giữa doanh nghiệp có nhu cầu về truyền thông và chủ Fanpage rất khó.

Thậm chí, dù fanpage có định hướng tốt, được đầu tư nội dung nhưng thiếu đội ngũ chuyển tải thông điệp của doanh nghiệp một cách gần gũi với cộng đồng thì kế hoạch tiếp thị của doanh nghiệp cũng không có hiệu quả. Nhiều fanpage dù ít người like nhưng vẫn được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao vì thông điệp của họ được chuyển tải gần gũi nên kế hoạch quảng bá, tiếp thị hàng hóa, dịch vụ được nhiều cư dân mạng hưởng ứng”, bà Hà nói.

Ngoài ra, những hiện tượng tiêu cực trong việc mua bán fanpage cũng làm nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến đau đầu. Hiện nhiều nhóm mua bán fanpage đang lợi dụng các App (ứng dụng) để tăng lượng người hâm mộ và tất cả đều là con số ảo, sau đó đi chào bán với mức giá rẻ để tăng tính cạnh tranh.

Theo ông Trường của Mekong Communications, một fanpage doanh nghiệp được đánh giá là tốt thì số lượng tương tác giữa cộng đồng (chỉ số này trong Facebook được biểu hiện bằng thông số Talking About This) với trang đó phải đạt 5-10% tổng lượng người like. Ngoài ra, ông Trường lưu ý rằng mục tiêu chính của fanpage là chuyển đổi những khách hàng mới từ thích trở nên yêu mến và cuối cùng là bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp. “Điều này cần một chiến lược dài hạn chứ không đơn giản là chuyện mua đứt bán đoạn”, ông nói.

Còn theo bà Hà, dù khá phổ biến nhưng xu hướng tiếp thị trên mạng xã hội, xây dựng fanpage không phải doanh nghiệp nào cũng có thời gian tìm hiểu. Chính vì thế, những sự việc tiêu cực trong câu chuyện mua bán fanpage có thể sẽ ảnh hưởng không tốt đến thị trường tiếp thị trực tuyến trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước