Thị trường bất động sản năm 2013 đã trôi qua với kiện tụng, tranh chấp, giảm giá nhưng những tháng cuối năm, thanh khoản thị trường đột ngột tăng mạnh. Thanh khoản 6 tháng cuối năm gấp đôi tại Hà Nội và gấp 4 tại TP.HCM so với 6 tháng đầu năm. Cả thị trường băn khoăn với câu hỏi: liệu thị trường có tăng bền vững?
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC cho biết: “Tôi nghĩ thị trường bất động sản đã qua đáy, đã có nhiều giao dịch thành công. Các chính sách của Chính phủ về bất động sản đã rất đúng, phát huy tác dụng. Niềm tin người tiêu dùng cũng đã trở lại”.
Trong khi đó, giáo sư Đặng Hùng Võ lại cho rằng, lúc này không cần đặt ra vấn đề thị trường đã là đáy hay chưa. Vì giờ đây thị trường đã có giao dịch, nhất là giao dịch của những người có nhu cầu ở thực. Vậy còn những nhà đầu tư, họ đã nên bỏ tiền vào mua bất động sản hay chưa.
Chuyên gia Đặng Hùng Võ cũng cho hay, giá nhà ở phân khúc thấp hiện nay đã giảm còn khoảng từ 10-14 triệu đồng/ m2 là hợp lý, chủ đầu tư đã lãi nhưng lãi không nhiều. Người mua đã có thể mua được nhà. Đó là mối quan hệ gắn kết giữa bên cung vào bên cầu. Chính sách của cơ quan quản lý đã rất đúng hướng khi cứu thị trường bằng việc phát triển phân khúc nhà thu nhập thấp, phân khúc thị trường đang cần.
Một vấn đề nữa đặt ra với năm 2014 là liệu có còn sự đổ vỡ, phá sản của nhiều chủ đầu tư? Câu trả lời của các chuyên gia trên thị trường là phân khúc nhà giá rẻ sẽ có thanh khoản, còn phân khúc cao cấp có thể vẫn là “cục máu đông”. Vì vậy, vẫn sẽ có không ít chủ đầu tư phân khúc cao cấp gặp khó khăn. Do đó, việc mua bán, sáp nhập hay tiếp tục đổ vỡ cũng là quy luật. Để giải quyết “cục máu đông” này có lẽ phải chờ đến năm 2015 thậm chí 2016, 2017 bởi đây là bước giải quyết cần sự dài hơi.
Quý vị có thể theo dõi chi tiết phóng sự trong Video sau đây: