Trong khi các DN Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã chuẩn bị để đón nhận những lợi ích từ TPP từ lâu, 70% DN dệt trong nước đang gặp khó khăn bởi thiếu vốn bởi tình trạng công nghệ lạc hậu.
Mặc dù đã nỗ lực đầu tư máy móc công nghệ mới, nâng cao chất lượng vải dệt nhưng một số công ty dệt lớn vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với DN ngoại. Nhưng chính bởi vốn ít, công nghệ lạc hậu, không ít công ty dệt vừa và nhỏ đã tìm cách khỏa lấp hạn chế của mình bằng cách hợp tác với đối tác nước ngoài.
Theo tính toán, để đầu tư máy móc cho 1 công nhân may cần 80 triệu đồng, 1 công nhân sợi cần được đầu tư gấp 5 lần, khoảng 400 triệu đồng, thậm chí, con số ấy còn lên tới 600 triệu đồng cho 1 công nhân dệt. Điều đó đồng nghĩa số vốn cho 1 nhà máy dệt và sợi gấp nhiều lần số vốn cần có của 1 nhà máy may.
So với những dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng của các tập đoàn dệt, sợi nước ngoài vào Việt Nam, những dự án hàng vài chục tỷ đồng của các DN dệt Việt Nam có lẽ chưa thấm vào đâu. Tuy nhiên, tại các DN dệt, sợi trong nước cũng đang thực sự có một sự chuyển mình.
Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành dệt may về Việt Nam đang mở ra cơ hội rất lớn cho ngành dệt, sợi. Vấn đề của các DN dệt, sợi Việt Nam lúc này là cần tự định vị mình ở đâu trong chuỗi sản xuất đó mới mong có một phần trong "miếng bánh" TPP.
Đổi mới công nghệ là tất yếu, liên kết là vấn đề sống còn. Chỉ có liên kết, chỉ có đổi mới công nghệ, mới có thể tồn tại. Đó là điều mà doanh nghiệp dệt trong nước đã nhận thức. Nhưng quả thực từ nhận thức tới thực thi còn là một khoảng cách bởi chỉ có những doanh nghiệp lớn mới có thể hình thành sớm được một chuỗi cung ứng cho riêng họ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!