Trong những năm qua, doanh nghiệp trước khi ký hợp đồng xuất khẩu gạo đều phải căn cứ trên giá sàn xuất khẩu mà Hiệp hội lương thực Việt Nam công bố. Tuy nhiên, thời gian tới doanh nghiệp có thể đàm phán và bán gạo với mức giá phù hợp mà không cần căn cứ trên giá sàn.
Hiện Chính Phủ đã giao cho hai bộ là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng nghiên cứu, phân tích đánh giá tác động của việc thí điểm bỏ giá sàn gạo xuất khẩu để có hướng điều hành phù hợp trong thời gian tới.
Nguyên nhân do trong 4 tháng đầu năm, số lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo giảm so với cùng kỳ. Theo Hiệp hội lương thực, thời gian tới sẽ có sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các nước xuất khẩu gạo. Còn các nước nhập khẩu gạo đang tìm cách nâng cao nguồn sản xuất trong nước, nên đã thay đổi chính sách nhập khẩu gạo. Vì thế, trong thời gian tới xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.
Do đó, ngoài việc thí điểm bỏ giá sàn để giúp doanh nghiệp có thể đàm phán giá xuất khẩu, Chỉnh phủ yêu cầu hai bộ liên quan cân đối xuất khẩu theo từng thị trường, khu vực để xác định chỉ tiêu xuất khẩu gạo cho phù hợp.