Giá cước 3G tại Việt Nam vẫn rẻ hơn nhiều so với thế giới và trong khu vực.
Thời đại công nghệ bùng nổ khiến “người người” sử dụng các loại điện thoại thông minh kéo theo hầu hết mọi người đều sở hữu một gói dịch vụ 3G. Và ngay khi giá cước 3G của các nhà mạng tăng gấp đôi so với hiện tại đã khiến khách hàng phản ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên trên thực tế, nếu so sánh giá cước 3G của Việt Nam khi đã tăng thì thấy rằng vẫn còn rẻ hơn so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Theo một báo cáo mới từ liên minh viễn thông quốc tế (ITU) về giá 500MB dữ liệu trả trước (trong một tháng) của các quốc gia trên thế giới, thì hầu hết các quốc gia phát triển đều có mức cước 3G khá dễ chịu. Theo đó, giá 3G của Áo là thấp nhất thế giới, người dân Áo chỉ cần bỏ ra khoảng 4,7 USD/tháng (khoảng 100 nghìn đồng) để mua 500MB dữ liệu. Thì Mỹ lại là một “vùng tối” của thế giới với giá cước dữ liệu lên tới 85 USD (hơn 1,7 triệu đồng). Nghiên cứu của ITU bao gồm trị số tổng thu nhập quốc dân (GNI*), vì giá cả ở các nước có mức sống khác nhau là khá khác biệt. Theo biểu đồ này, giá 3G ở Việt Nam tương đương với 4,8 USD/tháng. Xét trong khu vực Đông Nam Á, giá của Indonesia là 7,6 USD, Phillippines là 20,1 USD, Campuchia là 13,2 USD.
Các nhà cung cấp dịch vụ 3G Việt Nam đã đưa ra lí do rất xác đáng về việc tăng cước. Theo ông Nguyễn Đình Chiến – Phó Tổng Giám đốc MobiFone chia sẻ: “Giá cước 3G MobiFone đang cung cấp cho khách hàng thấp hơn 50% so với giá thành dịch vụ. Để thực hiện theo quy định của Nhà nước về việc giá dịch vụ viễn thông không được thấp hơn giá thành, MobiFone đã tiến hành điều chỉnh giá cước đối với dịch vụ Mobile Internet và Fast Connect. Chúng tôi hy vọng, với sự điều chỉnh này, MobiFone sẽ có thêm điều kiện để tái đầu tư, phát triển mạng lưới, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ 3G liên tục tăng của khách hàng”.
Và cũng theo những phản hồi của MobiFone, một trong những nhà mạng lớn tại Việt Nam thì việc điều chỉnh cước data lần này nằm trong lộ trình từng bước thực hiện tuân thủ quy định của Cơ quan quản lý Nhà nước về viễn thông, đảm bảo giá cước dịch vụ không thấp hơn giá thành và đã được Bộ TT & TT phê chuẩn.
Giá cước 3G tăng, khách hàng chịu thiệt hay hưởng lợi?
Cùng một thời điểm nhà mạng cùng đồng loạt tăng cước 3G khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu đó có phải là hành vi bắt tay nhau để khống chế thị trường ? Nghi ngờ của khách hàng là hoàn toàn bình thường, những nhà mạng tăng giá cước đều là những đơn vị cung cấp dịch vụ mạng lớn tại Việt Nam. Nhưng trên thực tế, việc các nhà mạng đồng loạt tăng giá cước là sự trùng về thời điểm thu cước hàng tháng. Ông Nguyễn Đức Trung, Cục Viễn thông khẳng định: Đối với các DN thống lĩnh thị trường thì phải đăng ký giá dịch vụ với chúng tôi. Ba DN đã có văn bản đăng ký từ tháng 8, VMS MobiFone, Viettel và VinaPhone đăng ký điều chỉnh giá cước. Trong quá trình thẩm định, doanh nghiệp cần phải bổ sung, giải trình phương án chậm nhất là ngày 13/9/2013. Trên cơ sở giải trình của DN thì chúng tôi có văn bản chấp thuận cho các doanh nghiệp điều chỉnh giá cước, văn bản chấp thuận được ký cùng một ngày 4/10 nên có thể trùng thời điểm tăng giá của các doanh nghiệp. Chúng tôi không ấn định thời điểm tăng giá thành. Sự trùng thời điểm tăng giá có xuất phát điểm từ phía Bộ TT&TT.
Đại diện nhà mạng MobiFone cho biết thực ra MobiFone đăng ký tăng cước 3G bằng văn bản vào ngày 9/8/2013, trong đó đề xuất tăng cước từ ngày 1/9/2013. Tuy nhiên, sau khi có thẩm định, trao đổi và giải trình với Cục Viễn thông, cuối cùng ngày 4/10 MobiFone nhận được văn bản chấp thuận của Cục Viễn thông. Để chuẩn bị cho việc tăng cước, MobiFone phải làm rất nhiều việc. Từ chuẩn bị hệ thống, chuẩn bị về truyền thông, thông báo cho khách hàng, cập nhật trên web… Hãy tạm băn khoăn về việc các nhà mạng bắt tay nhau để tăng giá, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng. Chúng ta hãy chờ đợi lộ trình sau tăng giá chất lượng truy cập 3G sẽ tốt hơn hiện nay. Và việc tăng giá cước 3G cũng là một bước cần thiết để các nhà mạng có đủ tiềm lực để xây dựng mạng 3G tiêu chuẩn quốc tế.
Có lẽ chúng ta nên quay lại câu chuyện nguyên tắc của việc xây dựng giá, đó là không được bán dưới giá thành. Đấy là lý do tại sao về cơ bản, các gói cước không giới hạn trên thế giới các nước đã bỏ gần hết như: Tiên phong là Mỹ 2 năm đã bỏ, tiếp theo là các nước châu Âu, các nước châu Á xung quanh chúng ta không còn gói cước không giới hạn vì lý do là tài nguyên vô tuyến của chúng ta hữu hạn. Hơn nữa khi cung cấp xây dựng giá cước phải đảm bảo không được dưới giá thành, khi băng thông trước đây để tốc độ cao có sự khác nhau về lưu lượng sử dụng, có khách hàng dùng rất nhiều, có khách hàng lại dùng rất ít, điều này không đảm bảo công bằng giữa các khách hàng.
Đại diện MobiFone cho biết, trước đây, trong quá trình làm việc, Cục Viễn thông yêu cầu phải tính toán, giải trình và khuyến nghị bỏ gói cước không giới hạn. Tuy nhiên, khi dùng smartphone việc kiểm soát chi phí sử dụng 3G rất quan trọng với khách hàng. Khi người dùng không để ý, máy tự động cập nhật phần mềm, và có thể phát sinh lưu lượng lớn.
Khi nhà mạng điều chỉnh cước, đồng nghĩa là sẽ có nhiều cơ hội để tái đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Và điều quan trọng là trong khi chờ đợi sự thay đổi từ chất lượng dịch vụ 3G, khách hàng hãy lựa chọn một gói cước thực sự hợp lí để có thể kiểm soát được lưu lượng khi sự dụng.