Gần trăm xe container hàng nông sản với tải trọng 25-30 tấn, phần lớn là thanh long Bình Thuận, đang nằm chờ để xuất hàng qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Chủ xe ngao ngán và đầy âu lo vì chi phí bến bãi, chi phí ăn ở, chi phí chạy dàn lạnh bảo quản sẽ càng tăng thêm. Xe nằm chờ, ít thì cũng vài ba ngày, lâu nhất đã 8-10 ngày nay.
Anh Nguyễn Văn Mười, Công ty TNHH Xuân Phong, Bình Thuận cho biết: “Tôi ra đây là đã 3 ngày rồi. Nhiều xe ra 7-8 hôm toàn phải chạy lạnh. Mà trái cây để lâu thì sẽ hỏng và chi phí của chúng tôi càng lên".
‘ Nhiều xe chở nông sản ách tắc tại cửa khẩu (Ảnh: SGGP)
Chủ xe vạ vật từ gầm xe đến nhà trọ rẻ tiền. Họ cho rằng, ùn tắc lần này là do sơ hở trong khi ký hợp đồng giao hàng.
Anh Nguyễn Văn Lâm, Doanh nghiệp tư nhân Hải Thanh, Phan Thiết, Bình Thuận cho rằng: “Mình vận chuyển toàn bộ số hàng này thì mình phải chịu trách nhiệm từ chỗ nhận đến trả hàng, nhưng bên đó lại không nói rõ là sau mấy ngày nên lái xe luôn bị thiệt”.
Theo hải quan cửa khẩu Tân Thanh, ngoài việc mạnh ai người ấy bán, bất kể mức giá có thể làm hại nhau thì việc mở thêm nhiều cửa khẩu phụ hay chờ đợi để tăng giá bán đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất cao.
Cách giao hàng theo kiểu thỏa thuận miệng với nhau như mang hàng ra chợ đã và vẫn đang khiến nhiều doanh nghiệp, tiểu thương Việt Nam khốn đốn. Trong khi đó, phía doanh nghiệp Trung Quốc luôn “buôn có bạn, bán có phường” hết sức chặt chẽ. Vậy, tháo gỡ hàng trăm xe thanh long này như thế nào?
Theo ông Vi Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn: “Chúng tôi phối hợp với Sở Công Thương của tỉnh nhiều lần có thông báo cho các thương nhân biết tình trạng ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu trong từng thời điểm nhất định để họ chủ động trong quá trình thực hiện. Đặc biệt ở các tuyến đề nghị các thương nhân khi kinh doanh với phía Trung Quốc nên ký kết theo các hợp đồng mua bán có các điều khoản liên quan đến 2 bên để thực hiện”.
Hiện tại, nhiều xe chở hàng chỉ có lùi ra và lùi vào ở bãi tập kết cửa khẩu Tân Thanh. Vẫn chỉ biết chờ đợi khắc khoải. Bài học về liên kết trong xuất khẩu vẫn luôn có giá trị.