Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu dừa trái và các sản phẩm từ dừa đạt trên 70 triệu USD, là nguồn thu rất quan trọng đối với Bến Tre và lao động trong tỉnh. Nông dân trông dừa ở địa phương phần lớn cũng có kinh nghiệm trên 20 năm. Tuy nhiên, ngành dừa Bến Tre chưa đạt hiệu quả kinh tế cao, còn phát triển thiếu bền vững.
Nhiều năm gần đây, có hiện tượng trái dừa khô không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến và xuất khẩu, các nhà máy luôn trong tình trạng sản xuất không ổn định vì thiếu nguyên liệu. Do vậy, để phát triển ngành dừa bền vững, xu hướng tất yếu là liên kết trong sản xuất, nhất là liên kết 4 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân). Mối liên kết này sẽ hạn chế tình trạng nghiên cứu, sản xuất manh mún không theo sát với nhu cầu thị trường và cũng hạn chế tình trạng giá dừa có nhiều biến động.
Nhà quản lý giữ vai trò thúc đẩy liên kết bằng cách xây dựng quy hoạch sản xuất, cơ cấu sản phẩm; tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu; hướng nông dân vào cách hình thức sản xuất theo hợp đồng thay vì giữ kiểu làm ăn tự phát. Còn doanh nghiệp giữ vai trò tạo ra sản phẩm có giá trị thị trường và giá trị gia tăng, đồng thời doanh nghiệp cũng là thị trường trực tiếp của người nông dân. Nhà khoa học hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật để đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm từ dừa; giúp nông dân canh tác hiệu quả hơn trên diện tích hiện có.
Tính đến cuối năm 2014, Bến Tre đã thành lập được 127 tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa, tuy nhiên kết quả bước đầu chưa đạt được như mong muốn. Nhiều nông dân cho rằng, để đạt hiệu quả thì tổ hợp tác tiêu thụ dừa phải thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, phải là đại diện của nông dân chứ không phải cánh tay nối dài của Nhà nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.