Tuy nhiên, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn lại có một nhận định khác khi đặt câu hỏi: “Cửa hàng tiện lợi, có tiện để phát triển?” bởi thực tế cho thấy hàng loạt chuỗi cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam hoặc là lay lắt hoặc là phải sang tên đổi chủ.
Vậy thực tế các cửa hàng tiện lợi đang ở vị thế lên ngôi hay là chịu cảnh mất ngôi?
Tờ Doanh nhân Sài Gòn cho biết, ở Việt Nam hiện nay, cứ 10 người thì có 8 người giữ thói quen đi chợ truyền thống hoặc mua hàng ở tiệm tạp hóa, chỉ có 2 người lựa chọn thường xuyên đi siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi.
Lý do được đưa ra là đi chợ bằng xe máy cũng tiện không kém. Còn về lợi ích kinh tế, mua hàng ở tiệm tạp hóa có giá thấp hơn từ 5-10% nên vẫn ít người mặn mà với cửa hàng tiện lợi.
Mặc dù vậy tại sao 7- Eleven, thương hiệu cửa hàng tiện lợi có số lượng lớn nhất toàn cầu mới đây lại quyết định bước chân vào thị trường Việt Nam? Hẳn là họ cũng phải có lý do.
Theo hãng kiểm toán Deloite, mức độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam không chỉ thể hiện ở 90 triệu dân mà còn ở tốc độ đô thị hóa ở những đô thị lớn. TP.HCM thậm chí còn được xếp vào Top 10 thành phố hàng đầu châu Á để mở rộng bán lẻ.
Bên cạnh đó, trung bình cứ 69.000 người dân Việt Nam mới có 1 cửa hàng tiện lợi, chỉ bằng 1/10 so với Thái Lan.
Những nhà đầu tư vào mô hình cửa hàng tiện lợi đang nhìn thấy tiềm năng phát triển hình thức kinh doanh này ở những phân khúc khác. Đó là những khu đô thị hiện đại đang được xây mới. Những khu chung cư cao tầng với hàng chục ngàn căn hộ. Và một văn hóa mua sắm mới như mua sắm trong khi đi dạo chơi, kết hợp cùng ăn uống nhẹ ở những không gian mát mẻ, sạch đẹp… là những yếu tố để cửa hàng tiện lợi lên ngôi.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!