Những năm gần đây, xu hướng thích mua sắm những sản phẩm mang tên thương hiệu nước ngoài của người tiêu dùng dường như không còn mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi xu hướng sính thương hiệu ngoại được phổ biến ngay cả những mặt hàng truyền thống như gạo lại đang là vấn đề không bình thường trong thái độ tiêu dùng của người Việt.
Câu hỏi được đặt ra là chỗ đứng của thương hiệu gạo Việt đang ở đâu và sẽ ra sao nếu như tâm lý sính thương hiệu ngoại đang ăn sâu trong tiềm thức tiêu dùng.
‘ Ảnh: VTV News
Chủ một đại lý gạo tại TP.HCM cho biết, cứ 10 người đến mua thì đến 7 người chọn những loại gạo có tên nước ngoài. Đó cũng là lý do vì sao các loại gạo mang tên gọi thơm Thái, Nhật Bản, gạo Mỹ... được cửa hàng bày bán ở vị trí thuận lợi và bắt mắt nhất.
Điều đáng nói, mặc dù tất cả loại gạo trên đều được sản xuất trong nước nhưng chỉ cần gắn mác tên nước ngoài thì giá của nó đã được tăng lên gần 30% so với tên gạo nội. Những cái tên Thái Nguyên, nàng Hương hay nhiều tên gạo Việt khác chỉ được các đại lý bày bán cho có dù so về chất lượng gạo, nguồn gốc xuất xứ đều như nhau. Tuy nhiên do có cầu thì phải có cung nên các đại lý đã phải làm động tác thay tên đổi họ để dễ bán được hàng.
Bà Nguyễn Trần Tố Nga, đại lý gạo ở Quận 10, TP.HCM cho biết: “Giờ mọi người đều hỏi mua gạo thơm Thái, thơm Đài Loan... nên chúng tôi phải đặt những tên như vậy thì họ mới mua. Nếu để đúng tên gạo thì tôi không bán được”.
Anh Nguyễn Quốc Huy, một chủ đại lý gạo khác ở Quận 10, TP.HCM cho biết thêm: “Thật ra những loại gạo này thì đều được trồng ở Việt Nam, chỉ có giống là nhập từ các nước khác về nên tên gọi đó chỉ là tên của các loại giống”.
Không chỉ các đại lý ngoài chợ mà ngay cả trong các siêu thị, gạo có tên gọi thuần Việt cũng hiếm hoi. Lỗi do gạo Việt chưa có thương hiệu hay do thói quen mua sắm của người tiêu dùng? Chưa biết cụ thể nguyên nhân xuất phát từ đâu nhưng vấn đề này đang đặt ra nhiều lo ngại cho sự dần biến mất những tên gạo Việt vốn được tự hào như Chợ Đào, Tám Xoan, Hương Lài,...
Câu hỏi được đặt ra, liệu những loại gạo mang tên nước ngoài trên có phải được nhập khẩu từ các quốc gia khác về Việt Nam. Câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ các chuyên gia về lúa gạo là không hề có chuyện nhập gạo ngoại ở đây. Sở dĩ có tên các loại gạo ngoại là xuất phát từ các loại giống lúa.
Cụ thể, gạo thơm Thái Lan là sản phẩm của giống lúa Jasmine có nguồn gốc từ Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế - IRRI, gạo thơm Đài Loan là giống lúa VD20 có nguồn gốc Đài Loan, còn thơm Mỹ là sản phẩm của giống lúa có nguồn gốc từ Thái Lan với tên gọi Kown Dak Mali. Đây là những sản phẩm được trồng khá phổ biến ở các tỉnh miền Tây.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam cho biết: “Không những không xây dựng thương hiệu mà chúng ta còn để khâu quản lý làm giảm thương hiệu gạo đi. Ví dụ, gạo nàng Hương, Chợ Đào nổi tiếng nhưng khi bán ra bị thương lái pha trộn khiến chất lượng giảm và làm người tiêu dùng không tin tưởng. Không thể trách người tiêu dùng vì chúng ta không quản lý được chất lượng, không chú ý xây dựng thương hiệu”.
Một khi thương hiệu gạo chưa được xây dựng tốt, cộng thêm xu hướng tiêu dùng hàng ngoại như hiện nay thì nỗi lo mất dần thương hiệu Việt là điều hoàn toàn có thể xảy ra, không chỉ với sản phẩm gạo mà còn ở hàng ngàn sản phẩm nông sản khác.
Sẽ không thể bắt ép hay yêu cầu người tiêu dùng phải dùng sản phẩm Việt, thương hiệu Việt nhưng cái cần nhất chính là làm thế nào để những sản phẩm truyền thống như gạo vẫn được người tiêu dùng đón nhận đúng như tên gọi và bản chất của nó mới là điều quan trọng.
Và để làm được điều này thì không thể chỉ ngồi trông đợi vào sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, nếu như không có sự vào cuộc mạnh mẽ từ các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý.