Năm 2012, dù đã đầu tư gần 800 tỷ đồng nhưng đúng thời điểm kinh tế khó khăn, khoản nợ của công ty xi măng Điện Biên tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn bị xếp loại nợ xấu. Không thể vay thêm để sản xuất, không sản xuất thì không có tiền trả nợ, nhà máy đã phải tính tới việc bán lại toàn bộ. Nhưng chỉ 3 năm sau, công ty đã chiếm thị phần lớn ở cả vùng Tây Bắc và xuất khẩu sang Lào. Được như hôm nay là do các khoản nợ của công ty đã được tái cơ cấu lại theo quyết định 780 của Ngân hàng Nhà nước.
Doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ phục hồi sản xuất, ngân hàng mới xử lý được nợ xấu một cách bền vững. Ý thức được điều này, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã huy động toàn hệ thống tập trung vào các giải pháp tự xử lý. Sau 3 năm, từ tỷ lệ nợ xấu năm 2012 ở mức khá cao đến nay ngân hàng này thậm chí còn hoàn thành trước cả lộ trình giảm nợ xấu của hệ thống.
Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai các giải pháp tự xử lý nợ xấu như cơ cấu lại nợ, tích cực thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm; tăng cường trích lập dự phòng rủi ro; tiết giảm chi phí. Việc hoàn thành lộ trình giảm nợ xấu về dưới 3% đã tạo điều kiện hạ mặt bằng lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế.
Tuy vậy, ở góc độ khác tự xử lý nợ xấu nghĩa là các ngân hàng phải thắt lưng buộc bụng, hạn chế tăng lương, thưởng, thù lao, chia cổ tức, thậm chí chấp nhận ảnh hưởng chỉ tiêu lợi nhuận. Chấp nhận những khó khăn đó không hề đơn giản với mỗi ngân hàng. Nhưng trong điều kiện không có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách Nhà nước, cơ chế, chính sách còn nhiều hạn chế, nền kinh tế vẫn khó khăn, đó thực sự là nỗ lực của cả hệ thống. Qua quá trình xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng cũng tự tái cấu trúc lại hoạt động, chặt chẽ hơn, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.