Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương nhận định, nhu cầu cho sản phẩm cá tra trong quí II sẽ không thiếu đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Giá xuất khẩu có khả năng cải thiện so với quý đầu năm. Công ty Agifish, một công ty con của Hùng Vương, trong quí II sẽ giao hợp đồng xuất khẩu 10.000 tấn cá, trị giá 36 triệu USD với giá trung bình 3,52 USD/kg cho đối tác Mỹ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu đối với các mặt hàng cá tra và tôm có xu hướng tăng trở lại sau khi lượng dự trữ của các nhà nhập khẩu cạn. Ước tính xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 đạt khoảng 520 triệu USD, tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2013 ước đạt 1,78 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu tháng 4 tăng mạnh, từ 13 đến 34%. Trong đó tôm tăng gần 34%, cá tra tăng gần 14%, cá ngừ tăng 31%, các loại cá biển khác cũng tăng 23%.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho hay, riêng đối với ngành tôm, trong quí II này các doanh nghiệp có xu hướng duy trì doanh thu xuất khẩu hơn là tăng trưởng vì khó khăn về nguồn nguyên liệu và rào cản thị trường như quy định về hàm lượng chất Ethoxyquin tại Nhật Bản, Hàn Quốc, thuế chống trợ cấp với tôm.
Thống kê hải quan cho thấy, từ đầu năm đến 15/4, kim ngạch xuất khẩu tôm vào Nhật Bản, thị trường lớn nhất của tôm, duy trì tương đương năm trước, trong khi Hàn Quốc giảm 17% và thị trường EU giảm 3%. Ngược lại, xuất khẩu vào Trung Quốc và Hong Kong lại tăng 21%, thị trường Mỹ cũng tăng gần 5%.
Tín hiệu tốt cho tôm Việt Nam là số doanh nghiệp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm khi xuất khẩu tôm vào Nhật đã giảm mạnh. Trong 2 tháng đầu năm 2013, có 12 doanh nghiệp xuất khẩu tôm bị cơ quan chức năng Nhật Bản đưa vào chế độ kiểm tra chặt, nhưng tháng 4 vừa qua chỉ có một doanh nghiệp bị đưa vào chế độ này.