Nhà của ông Hà Nguyên Huyến ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) là di tích
được xếp hạng nhà cổ dân sinh loại một. Ngôi nhà gây ấn tượng mạnh cho
khách tới thăm bởi màu xanh cây cối.
Vốn có nghề nấu tương, ông Huyến dành hầu hết diện tích sân làm nơi chế
biến. Các vại tương màu nâu trầm xếp hàng đều tăm tắp trên khoảng sân
gạch.
Ngôi nhà chính gồm 5 gian 2 chái, thiết kế theo lối nội tự ngoại khách.
Bộ vì kết cấu trên 4 hàng chân cột, cột nhà bằng gỗ có đường kính 30cm.
Là người đam mê chữ Hán, ông Huyến trang trí nhà cửa bằng các câu đối có
nét chữ đẹp mắt. Các vật dụng nhỏ như điếu bát, ấm chén sứ, đèn
dầu... trong nhà làm bật lên được tính cách tinh tế, hoài cổ của chủ
nhân.
Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Hùng cũng được xếp hạng nhà cổ dân sinh loại
một. Ngay khi đến thăm, du khách sẽ ngạc nhiên trước chiếc cổng được
xây dựng theo lối xưa bằng đất đá, bã trấu, bùn để tạo chất kết dính và
lối vào rợp bóng bởi cây tơ hồng.
Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1649, chủ yếu bằng gỗ mít và gỗ lim. Sau
hơn 300 năm, dấu ấn thời gian đã xuất hiện trên những cảnh cửa.
Những nét chạm trổ tinh hoa trên cửa từ thời Hậu Lê vẫn còn nguyên vẹn.
Ngôi nhà được kết cấu theo kiểu 5 gian 2 chái, 3 gian giữa là nơi thờ
cúng tổ tiên, thêm bộ trường kỷ dùng để tiếp khách. Hai gian bên cạnh
dùng làm nơi ngủ.
Khác với nhà cổ dân sinh, ngôi nhà của chị Dương Lan được xây từ năm
1780, vốn thuộc về cụ tổ chồng chị là quan đốc học Đỗ Doãn Chính. Bục
cửa được thiết kế rất cao khiến cho người vào nhà đều phải cúi rạp
mình khi bước qua. Chị Lan lý giải, bục cửa xây cao như vậy là để nhắc
nhở khách đến nhà phải luôn nhớ kính trọng một vị quan, một người thầy.
Đồ trang trí hình chiếc sừng chỉ có trong nhà của những người đỗ đạt làm quan.
Kết cấu giàn chống trần mang dấu ấn thời kỳ Hậu Lê và vẫn chắc chắn sau 300 năm xây dựng.
Nhà cổ có ưu điểm mùa hè mát còn mùa đông ấm. Ngoài ra, không gian
thoáng đãng và khả năng tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên cũng là điểm
mạnh của nhà cổ Đường Lâm.
Chuông gió hình nón là vật trang trí được ưa thích ở nhà cổ Đường Lâm